top of page

Forum Comments

Quyển THÁI BÌNH TRUYỆN NGẮN THI TẬP - Đây là tập 14 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC - Đức Thầy Vô Danh Thị.
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Mar 28, 2022
(Tiếp theo trang 29.) SÁO SẬU VÀ HẠT TRẮNG ⭐️ Con Sáo đi theo vị Thiền Sư, hằng ngày học được những sự minh triết của vị Thiền Sư giáo Đạo, đêm đêm nhìn thấu các pháp của vị Thiền Sư hành thiền tịnh luyện. Những ngày rảnh rỗi, Sáo ta thường bay ra ngoài rừng giảng Đạo cho các loài chim muông thú rừng nghe để học Đạo, rồi lại đi khoe với các loài chim khác như gà rừng, le le, cò trắng. Hôm nọ Sáo đang nói Đạo thì thấy Hạt Trắng đứng nghe. Hạt Trắng nghe qua, không thể nín cười được, liền bậc cười vang lên. Sáo ta lại hỏi: "Anh có hiểu sự giáo dạy của tôi không, mà vội cười sớm quá vậy?" Hạt Trắng nói: "Trước khi anh muốn tôi trả lời cho anh, tôi muốn chứng minh đạo lực của anh trước đã." Sáo nói: "Vậy anh muốn tôi chứng minh bằng cách nào?" Hạt Trắng nói: "Anh hãy bay cùng tôi." Sáo bay theo Hạt Trắng. Hạt Trắng bay càng lúc càng cao, lên khỏi từng mây trắng. Sáo chịu không nổi nên ngất xỉu. Hạt Trắng liền dìu Sáo trở lại cây hồng rồi làm hô hấp cho Sáo tỉnh lại. Sau đó Sáo liền cám ơn Hạt Trắng đã cứu mạng. Hạt Trắng nói: "Đạo lực của anh không có, mà đi lấy sự hiểu biết của vị Thiền Sư ra rao giảng cái Đạo cho muôn loài vạn vật thì cũng được, nhưng chính bản thân của anh sẽ bị thiệt thòi. Cũng như hôm nay, anh cùng tôi bay mới tới mây trắng, nếu tôi không đưa anh về kịp thì anh đã tiêu mạng. "Còn nếu đạo lực của anh mà cao, thì cũng như tôi, bay khắp Năm Châu mà không biết mỏi, lên tới chín tầng mây vẫn thấy thoải mái, càng lên cao hiệp với Thiên Không sáng suốt, pháp lực vô biên. Thật sự thì tôi muốn ở trên đó luôn không về lại đây chút nào, nhưng vì không nỡ tuyệt nhân duyên với chúng sanh. Vì vậy mà tôi đem mưa pháp bay tưới khắp Năm Châu, chỉ mong các hột giống Bồ Đề gặp được mưa pháp mà mọc lên các giống thiện lành của Trời Phật. Rồi mỗi mỗi tự biết đâm chồi tăng trưởng để trở thành những cây Nguyên Linh Phật Pháp ở trong mỗi người. "Chứ kẻ có Đạo không còn ham muốn việc trần tục nữa. Còn người đời chỉ lo cái ăn, cái ở, mà làm bận rộn hết cả tháng ngày. Rồi lại lo bảo vệ cái mình thấy biết và các thứ hửu vi mà đắm chìm theo sự vật. Vậy mà có người chưa thấu suốt được cái huyền vi trong Trời Đất mà tưởng mình đạt Đạo, rồi đi rao giảng để sanh ra hiểu lầm to lớn. "Cũng như anh, hôm nay đã nếm được mùi vị của đạo đức đó vậy. Nếu anh không biết cách luyện thân cho mình bay cao mà không thấy ngộp, chịu đựng được sức hút của Thiên Không thì tôi đã đưa anh bay lên trên của chín từng mây để xem những cảnh Trời Thiên Công cao đẹp. Đến đó anh sẽ không còn lời diễn tả cái huyền huyền diệu diệu của Đạo. Và lúc đó anh sẽ nói: Hư không thanh tịnh đẹp làm sao Kết khí Hư Vô luyện được vào Cảnh tịnh không lời vô quái ngại Không tên không tuổi sống thanh cao. Không lời dạy dỗ minh chơn giác Không tánh không tâm mới biết vào Không lòng đầy khí chơn linh ngộ Hiệp Đạo Hư Không tự bước vô. Tam Gia, Lục Thức quy giềng mối Tịnh tịnh thanh thanh gặp nhau rồi Bật cười thế sự trong ảo giả Thấy vòng tâm thức giữa Hư Vô. Như ở trên Trời nhìn người cá Suốt đời bơi lội chẳng chịu ra Còn mê mùi nước sanh hành hạ Giác ngộ tâm hồn mới thoát ra. 🌺 (Hết trang 32.)
1
0
Quyển THÁI BÌNH TRUYỆN NGẮN THI TẬP - Đây là tập 14 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC - Đức Thầy Vô Danh Thị.
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Mar 05, 2022
(Tiếp theo trang 24.) TRÂU VÀ CỌP ⭐️ Có một bửa nọ anh Cọp đi dạo ở một gốc rừng. Đến cạnh bờ ruộng thì gặp anh Trâu đang nằm nghỉ trưa. Anh Cọp liền mở lời khen anh Trâu: "Anh Trâu ơi, tướng anh mạnh dạng trông thấy khoẻ ghê. Anh to con lại còn biết cày bừa suốt ngày không mệt mỏi, nhưng lại không cần ăn sang trọng, chỉ mớ cỏ rơm là cũng đủ no lòng. Còn tối về không cần nệm ấm chăn êm, chỉ nằm trên cỏ mà cũng đủ ấm thân. Anh thật là giỏi, quần áo khỏi cần thay, tắm không cũng tuỳ hỷ." Trâu nói: "Tuy tôi được vậy nhưng vẫn còn thua anh xa. Núi rừng anh lên xuống, ra vào tuỳ ý. Muốn ăn món gì thì còn lựa chọn được, còn tôi chỉ ăn được chút cỏ non là cùng. Khi anh bực mình la lên một tiếng, ai nghe đều biết anh là chúa tể sơn lâm rồi vậy. Đến không ai dám giỡn mặt, về không ái dám đón đường. Anh muốn kêu đứa nào thì đứa đó sợ đến khiếp vía. Đi tới đi lui như ông vua, tự do thong thả. Như vậy mới khỏi hổ danh sanh ra một kiếp ở đời. "Còn tôi làm việc tối ngày mà còn bị hà hiếp, lại không dám nói một lời. Nghĩ lại làm thân trâu thật là cực nhọc, nhưng đó cũng là cách để tôi trả nghiệp đó anh Cọp ơi." Dù cho to lớn như Trâu Ăn no theo chủ cày sâu, bừa nhiều Vậy mà chủ chẳng thương yêu Ra roi hành phạt đủ đều trả công. Còn như anh Cọp thong dong Ra vào tự tại núi non du hành Tới đâu cũng bậc đàn anh Sống vui một kiếp vang danh núi đồi. Ngồi tu mọc cánh về Trời Pháp Vương chư Phật đón mời Thiên Không Ra vào thanh nhẹ thong dong Hơn là chúa tể sơn lâm đời nầy. 🌱 CÁ VỚI RÙA ⭐️ Cá Mú ở trong hang, ngày ngày thấy anh Rùa đi qua đi lại, suốt đêm thì lên bờ, tới sáng lại xuống nước. Một hôm anh cá Mú tò mò mới hỏi anh Rùa: "Anh làm gì mà lên trên bờ vậy?" Anh Rùa trả lời: "Đêm đêm tôi lên trên gành đá để uống sương. Rồi tôi làm Pháp Luân Thường Chuyển để vận khí cho lên Đan Điền mà thâu khí Hạo Nhiên của Trời vào trong cơ thể để được trường sanh. Sau đó tôi thả lỏng tư tưởng vô vi không động, để cho thần thức hoá thành Kim Long bay lên không trung vào cõi Tứ Đại Long Vương mà dự hội Thần Tiên, để học được Đạo Lớn, ăn được những món sang, sống vui thanh nhẹ. "Ở cõi trên đó, Rồng thì học bàn thơ văn, ứng tâm khẩu xuất ra những bài thơ tuyệt diệu. Lân thì thi thố trí tuệ văn chương, kinh luân, khai mở khiếu linh, Thần Tiên đạt Đạo. Phượng thì lướt gió vân du, võ công tuyệt đỉnh, binh lược ôn tập, phép thuật an dưỡng. Còn Linh Quy thì bàn Số Học, Kinh Dịch, Đồ Thư, Ngũ Hành biến thể, Bát Quái thành sáu mươi bốn quẻ Độn Giáp, mỗi mỗi đều học đủ. Vì vậy mà đêm nào tôi cũng lên thạch bàn để luyện Đạo." Anh cá Mú nói: "Chuyện anh kể lại, tôi không bao giờ thấy, mà cũng chưa bao giờ nghe qua." Anh Rùa tiếp lời: "Tại anh suốt ngày bo bo ôm giữ cái thân to lớn, còn mê trong cái hang u tối, thích ở cái chỗ không trời không đất tối om. Ngày ngày nằm trong hang mà luận bàn chuyện thiên hạ. Có khác gì ếch nằm dưới đáy giếng mà xét chỗ Ông Trời chỉ bằng cái miệng giếng. Rồi đến lúc hạn hán hết nước, không biết đi tìm biển to hồ lớn để sinh sống, mà còn nằm ở đó kêu la inh ỏi thiện hạ nghe thét cũng phát chán tai. Đến như Thần Thánh còn nổi giận làm mưa lớn thành lụt cho dòng ếch nhái trôi hết ra biển cho rồi, vì cứ làm ồn ào không có lợi ích gì cả." Cá Mú nghe qua xin được kết bạn với Rùa để học cái cao kiến thấy xa biết rộng và học cái phép trường sanh để sống lâu trăm tuổi. Cá Mú nói: "Bấy lâu nay tôi thấy mình là thân to lớn, tự làm đàn anh chị trong vùng nầy, nên không coi ai ra gì. Nay gặp được anh đây, nhờ anh cho tôi hiểu rõ trời cao đất rộng, và còn nhiều chuyện Thần Tiên đạo đức mà mình phải học. Vậy thì hôm nay tôi xin bái sư học Đạo để khỏi nhục trí cá Mú nầy." Trong hang tăm tối thì mê Ra ngoài mới thấy tư bề quang minh Bốn phương tám hướng thinh thinh Trời cao Thượng Giới vạn linh hoà đồng. Cõi Thiên, Rùa Cá hoá Long Giao du học Đạo nhẹ lòng thăng Thiên Ra vào các lộ Thần Tiên Xuống lên học hỏi tâm thiền ngộ tâm. Đi tìm cảm ứng linh tâm Để mình hiệp được ngàn năm nước Trời Khổ tu chỉ có một thời Mà khi đắc pháp đời đời quang minh. (Hết trang 28.)
1
0
Quyển THÁI BÌNH TRUYỆN NGẮN THI TẬP - Đây là tập 14 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC - Đức Thầy Vô Danh Thị.
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Mar 02, 2022
(Tiếp Đầu Trang 12.) ĐẠI BÀNG LUẬN ĐẠO ⭐️ Đại Bàng bay xa nên không thấy nó ở đâu. Đại Bàng bay cao nên không thấy nó di chuyển. Cao thì trên mây, thấp thì ẩn mình. Các loài chim cúc, chim cu khó mà lường được. Nên bọn chúng chế diễu: "Bay cao không phải là hay, biết nhiều cũng ăn ba bửa. Còn bọn tôi đây gom lại một nhóm vui thú mãn đời có phải sướng hơn không?" Đại Bàng trả lời: "Bay cao là để tránh bom tránh đạn. Bay đó đây là để mở mang kiến thức. Cái biết nhiều hơn năm châu bốn biển còn chưa đủ để biết. Cái thấy xa hơn người thông minh thấy đó vẫn còn rất hạn hẹp." Vì vậy: Muốn yên trên không thì ngừng quạt. Muốn yên trong tâm thì ngừng hạch. Muốn yên trong thân thì ngừng dục. Bay đi bốn biển năm châu Thấy xa biết rộng Á Âu hiệp tình Thông minh chẳng có phê bình Thấy hay thì học cảm minh Đạo Trời. Lên cao lòng trống thảnh thơi Sang hơn những khách mê đời luỵ danh Xưa nay danh thối, thân thành Đó là luật Đạo hoá sanh định phần. Ôm danh mà lại tu thân Khác nào như đội ngàn cân trên đầu Chính mình trói buộc đó thôi Làm sao ra khỏi luân hồi mà mong. Kiếp nầy chẳng tỏ cho xong Sợ không đủ phước theo dòng nổi trôi Chơn tu đem giúp cho đời Còn mình lập chí chán đời mới nên. Ai từng thiền giác xuống lên Nghiệm đây cho rõ chỗ bền mà tu Không thông Đạo Lý, công phu Nên hồn vẫn ở ngục tù bản thân. Buông ra mới thấy nhẹ lần Thanh tâm trong dạ hoá thân Đại Bàng Tới lui các cõi Tiên Bang Mới thông tỏ ngộ lời vàng tôi trao. Thật vàng càng luyện càng cao Thau chì tan rã, mới mau đắt thành Lấy thân khử trược lưu thanh Tu đi mới hiệp cùng anh Đại Bàng. 🍃 CÁ VÀ VOI ⭐️ Một hôm anh Voi xuống bờ hồ uống nước gặp một đàn cá lội lại hỏi thăm. Một con thì chê anh Voi to con, lớn xác, đi lại nặng nhọc. Con khác thì chê anh Voi ăn ở mất vệ sinh, cả tuần không chịu tắm. Rồi con khác lại chê anh Voi chỉ biết ăn cây cỏ suốt đời, không biết thưởng thức được mùi vị gì khác hơn. Anh Voi trả lời: "Tuy tôi mình mẩy dơ dáy, ấy chẳng qua là tôi muốn giữ cái tánh thiên nhiên mà Trời phú cho các loài vật được hưởng. Còn ăn cây cỏ nên nhờ vậy mà tôi giữ được lòng chay tịnh. "Tôi không thích ăn những món cầu kỳ như các anh. Các anh thì thấy cái gì cũng nuốt, thấy mùi dơ hay sạch cũng rỉa. Rồi có khi ăn trúng đồ độc, đồ dơ, đem chất độc vào mình, đem đồ dơ vô trong bụng, để sanh ra nhiều bệnh tật mà còn nói bổ dưỡng. Tôi không biết bổ dưỡng cái gì? "Còn suốt đời các anh được sống dưới nước sạch sẽ, nhưng các anh đâu biết trời cao đất rộng là gì. Hễ thấy nghe cái gì động đậy là bu lại coi cho thoả tánh hiếu kỳ. Nhưng suốt đời chẳng làm nên việc gì cho thiên hạ nhờ, mà lại còn khen chê đủ thứ, cứ tưởng rằng mình sống trong sạch nhất. "Còn tôi thì trời đất tự do, làm bạn với chim muông thú lạ, lên núi ngắm cảnh thiên nhiên, xuống hồ nằm chơi thong thả. Chúa sơn lâm tôi còn không sợ. Kết bạn muôn nơi, ai nhờ tôi giúp. Chứ đâu phải như các anh, nằm đây rỉa rít suốt đời mà còn phiền đến tôi, thật không biết mắc cỡ." Cá ơi bớt rỉa dưới đìa Để cho Voi được cùng về tắm chung Học trang tuấn kiệt anh hùng Vang danh một thuở, thuỷ chung một đời. Hy sinh không nói một lời Không như loài cá ăn rồi vang vang Gặp ông chài lưới hết đàng Canh chua, kho mặn, trên bàn đãi ai. Còn xào chua ngọt, món cay Tới đây mới biết là ai anh hùng Như Voi một dạ thuỷ chung Sống không thẹn mặt anh hùng đời nay. Không bằng người cổ nhân tài Cũng bằng văn sĩ đời nay mới là Chu du vạn dặm đường xa Càn Khôn Vũ Trụ làm nhà sống chung. Cá ơi nên sống trung dung Học theo Trời Phật hoà cùng thiên nhiên Từ đây xin bớt làm phiền Để tâm thanh tịnh siêu nhiên được về. 🌲 VƯỢN VỚI KHỈ ⭐️ Anh Khỉ hỏi anh Vượn rằng: "Tao với chú mầy chỗ nào cũng giống nhau, mà tại sao chú mầy khôn hơn tao?" Anh Vượn trả lời: "Tuy tao giống chú mầy, nhưng mặt tao sáng láng hơn chú mầy, tướng tao thanh nhã hơn chú mầy. Tao ở chỗ cao, ăn đồ thanh sạch, nên Trời cho tao được chút ít thông minh. Vì vậy tao không có lòng giành giựt đồ dơ để mà ăn. Suốt đời chung thuỷ, không như chú mầy đụng đâu bợ đó. Cho nên người ta kêu đồ khỉ là đúng lắm!" Khỉ giồng vịn trái bẻ cành Ăn quả uống suối chưa thanh lòng hiền Tới đâu phá đó gây phiền Coi chừng mắt bẫy là điên suốt đời. Học theo Vượn sống tuỳ thời Tu thân sang trọng hơn loài Khỉ kia Sống thanh non núi lui về Tầm nơi thanh tịnh chẳng phê phán đời. Sanh ra đều có Luật Trời Tự mình tập luyện nên loài siêu nhân Thanh cao xa cõi phong trần Nhàn du cho được thoát thân luân hồi. Tầm Tiên thọ pháp về Trời Theo thầy học Đạo vui chơi non ngàn Linh chi dược thảo sống an Luyện tâm luyện tánh kim cang trở về. 🌵 CHUỘT VÀ GÀ ⭐️ Anh Chuột chê anh Gà: "Tôi thấy anh cứ bới móc tối ngày. Chỉ ăn được vài hột, không chịu lo yên phận, sáng sớm lại còn gáy om xòm làm phiền thiên hạ mất ngủ." Anh Gà đáp lại: "Tôi có công lớn với đời, đó là phải kêu to nói lớn, làm cho họ tỉnh thức để đi làm việc. Tuy vậy ngày chỉ kiếm đủ ăn, đêm về lo yên phận. Không giống như chú mầy, ăn thì có một mà còn ăn cắp để đầy hang. Còn ngày đêm chăm nom sợ người đánh cắp. Nếu chẳng may gặp nước lụt thì bỏ cả gia tài. Vậy mà chưa thức, lại còn trêu ghẹo người khác. Còn tôi ca hát tự do, ăn vừa biết đủ, thật là thanh nhàn đó vậy." Chuột ơi ăn đủ thì thôi Gom chi cả đống rồi ngồi gát canh Đến mùa nước lụt trôi banh Của Thiên trả Địa, có thành việc chi? Theo Gà bố thí sống vui Ăn no ca hát tới lui thanh nhàn Sáng thời còn gáy vang vang Thức người dậy sớm sửa sang đi làm. No lòng tối ngủ thấy an Còn anh đói dạ mơ màng không yên Sợ người trộm cắp của tiền Lòng tham không đáy luỵ phiền đến thân. 🍁 THÚ CẦM NÓI CHUYỆN ⭐️ Tiên Đồng vào buổi sáng thường hay ngồi tham thiền. Từ ngoài bờ ao bổng nghe anh Ngỗng cất tiếng kêu liên tục: "Ai đó? Ai đó?" Anh Chó đang ngủ trong nhà, nghe có tiếng nhưng không thấy được gì, tưởng có người ăn trộm liền cất tiếng hỏi anh Ngỗng: "Đâu? Đâu? Đâu?" Chị Mèo đang 'ngoạ thiền' buổi sáng, tưởng xảy ra việc lớn, nên hối anh Chó ra coi. Chị mèo kêu anh Chó: "Mau! Mau!" Anh Chó chạy ra trước nhà coi, không thấy ai liền chạy vòng ra đằng sau nhà mà hỏi: "Đâu? Đâu?" Chị gà đang ngủ nướng, bực mình la anh Chó, kêu anh Chó đi: "Chỗ khác! Chỗ khác!" Anh Heo ở ngoài sau nhà đang đi lang thang, biết là anh Chó giựt mình làm ẩu cho chủ vui. Nên anh Heo nói anh Chó: "Tự chú mầy 'Làm nhục! Làm nhục!'" Muốn biết trước sau chớ động tình Động tình dễ hiệp đám vô minh Bày ra lục đục thường tranh cãi Học Đạo mà còn nghi với tin. Trong lòng chưa tỏ nên chưa hiểu Rồi chạy đua đòi theo chúng sinh Tưởng là học Đạo vui cho thoả Khoác loác đầu môi để phỉ tình. Ngờ đâu phạm luật Trời minh xử Bốn cẵng, hai chân quả nghiệp nhồi Một làn sấm động trừ yêu quái Nên phải đầu thai kiếp thú thôi. Cũng tại kiếp xưa chẳng sửa mình Nên làm cầm thú sống vô minh Phơi thân vài kiếp rồi thăng tiến Ai có coi đây mới tự minh. 🌾 (Hết trang 23.)
1
0
Quyển THÁI BÌNH TRUYỆN NGẮN THI TẬP - Đây là tập 14 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC - Đức Thầy Vô Danh Thị.
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Mar 02, 2022
(Tiếp đầu trang 5.) Sáo Trời ⭐️ Ở trên núi cao có hai thầy trò. Thầy đang ngồi tịnh, đệ tử đến hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đang làm gì vậy?" Thầy đáp: "Thầy đang thổi Sáo Trời." Đệ Tử thắc mắc hỏi tiếp: "Sao không thấy Thầy cầm ống tiêu hay ống trúc, mà Thầy bảo thổi Sáo Trời?" Thầy trả lời: "Trời không hình nên Thầy thổi sáo vô hình, vì vậy trò nghe không được. "Vì nó như gió trong không gian lùa vào nước thì tạo sóng vỗ bập bùng; lùa vào cây khô thì xào xạt; lùa vào rừng thông thì réo rắc; lùa vào rừng trúc thì véo von; lùa vào ống tiêu thì trầm bổng; lùa vào lỗ hang thì ù ù. Nhưng nếu nó lùa vào được bên trong Cửu Khiếu thì sẽ trở thành một bài Vũ Trụ Trường Thiên, bốn phương hoà cảm, trên dưới phát âm vô cùng hoà điệu, như một đại lễ tự nhiên sanh ra cảm ứng, nên Thầy mới gọi là Sáo Trời vậy." Chưa ngộ Đạo Trời thấy rất xa Ngộ rồi Thiên Đạo hiệp tâm hoà Chín tầng thuỷ điển giao Cửu Khiếu Hiệp Đạo Hư Không nên phát ra. Ngồi nghe nhạc trổi âm thanh đệm Như bài trường thiên hoà tấu ca Vi vu dòng nhạc Thiên Không trổi Bốn phương tám hướng mãi ban ra. Sáu cõi ba cung nghe êm diệu Thanh ba vang mãi mãi vang vang Sáo Trời hoà bản Hư Vô hiệp Ai có về Không, nhạc mở đàng. ☘️ CÁ VOI VÀ ĐẠI BÀNG ⭐️ Cá Voi khen Đại Bàng: "Anh ở giữa không gian, bay biển Bắc trời Nam, thấy xa hiểu rộng, kiến thức vô cùng, mà tại sao phải mai một giữa nơi thanh vắng trên hòn đảo nhỏ nầy?" Đại Bàng trả lời: "Tôi chẳng qua là loài chim lớn do Trời sanh, nhưng đời nay gần như tuyệt chủng. Cho nên đến ở đây để gầy giống thiên nhiên, thay hình đổi cốt để phù hợp với luồng khí hoá đang chuyển biến của không gian cho hiệp Đạo, và để sau nầy thành Phượng Hoàng mà về cảnh Thiên Thai an thần dưỡng tánh. Chớ còn ở đây, tuy sống tự do vô quái ngại, nó vẫn còn chưa bổ ích bằng nơi an lạc." Cá Voi tiếp lời: "Tôi thì ở biển sâu trầm mình ẩn dạng, cũng giống như anh, mong ngày hoá Long để ra vào Tam Giới hưởng khí trong lành, đạp mây, mượn gió, giỡn trăng, Thần Tiên yến hội. Chớ làm Nam Hải Đại Tướng Quân, cũng chỉ canh gát tàu bè qua lại, trách nhiệm nặng nề làm sao giải thoát." Thân to lớn biển sâu ẩn dạng Để luyện thành Rồng nhỏ thăng Thiên Nương mây lành trở lại Đào Nguyên Mới thoả chí biển Đông, Nam Hải. Đại Bàng ở đảo con tu mãi Thành Phượng Hoàng vào Đại La Thiên Ăn chay nhặt quả hoá duyên Không còn câu cá ở miền thế sanh. 🌱 SƠN - THUỶ ⭐️ Sơn hỏi Thuỷ: "Không biết con người đi đâu mà mỗi năm tôi thấy vùng nầy con nít về đây chơi vui cũng lắm, sau đó thì có cặp có đôi, rồi lại ra đây đào lỗ khóc lóc om sòm. Tôi không hiểu là tại việc gì mà ra nông nổi thế?" Thuỷ trả lời: "Tại anh không phải là chúng sanh nên anh không rõ. Vì đã làm người, thì từ nhỏ đến lớn, rồi từ lớn đến già, liền liền thay đổi. Bởi vậy, họ bị cái luật sanh trụ hoại diệt nên đến rồi đi không ngừng nghỉ. "Chỉ có tôi và anh ngồi đó, nằm đây, thong thả, vô tư, mà lại sống dài bằng Trời bằng Đất. Vậy mà anh ngồi đây từ tạo Thiên lập Địa tới giờ mà sao anh chưa hiểu thấu hết vậy?" Sơn nói: "Tuy tôi ngồi cao mà còn thua anh xa. Còn anh bình bình, nằm đó như Ngoạ Long, chứ lúc anh vui thì làm mây bay đây bay đó. Không biết tôi làm buồn chi anh mà anh tạt nước ước đầu tôi hoài vậy?" Thuỷ đáp: "Tại anh ngồi hoài ở đây tôi sợ anh ngủ gật, hôn mê, rồi sụp xuống đè thiên hạ. Vì vậy mà tôi phải tạt nước cho anh tỉnh, vậy mà anh còn buồn giận tôi nữa sao. Sơn nói: "Không dám. Không dám." Sơn đã ngồi thiền lúc Trời sanh Mà so với Thuỷ, Đạo chưa rành Sơn vì chấp tịnh nên ngồi mãi Thuỷ biết hoá sanh nên Đạo thanh. Thuỷ còn biết chuyển theo khí hoá Để Đạo an nhiên Đạo hoá sanh Sơn còn mê pháp nên ôm mãi Thuỷ chuyển theo tâm Đạo hoá Long. Tu hành chung cuộc Trời Đất chuyển Mà Đạo tuỳ tâm đạt Đạo thanh Không còn chấp ở tu đồng khóa Mà ở căn cơ Đạo mới thành. Sơn Thuỷ hửu tình Thiên Địa hoà minh Nặng thì làm đất Nhẹ thì khinh thanh Trong đạo dưỡng sanh Âm tụ điển lành Dương tùng Đạo khởi Anh Thuỷ học lợi Theo lối khinh thanh Tích tựu điển lành Nên thành chánh quả Anh Sơn ngồi đã Chẳng học Trung Dung Truy tới đường cùng Ngồi lâu tê đít Hỏi ra mới thích Anh Thuỷ lưu hành Học lối khinh thanh Làm mây du ngoạn Không còn nhỏ mọn Ngồi đó chấp đây. 🍂 (Hết trang 11.)
1
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Feb 27, 2022
(Tiếp đầu trang 114.) 463. Thuận đường đời là đoạ vào cõi luân hồi. Nghịch đường đời là đi vào cõi giải thoát. Đã đi tìm giải thoát thì đi trên dư luận của thế gian. Còn sợ sệt, yếu hèn, thì sẽ bị sóng của dòng đời tiêu diệt, muôn đời Đại Đạo chẳng được đắt thành. Bởi vì, chưa qua được dòng đời thì khó mà hiệp dòng Đạo. 464. Lụt lớn phá đê. Hạn hán lớn tiêu diệt mùa màng. Chiến tranh lớn tiêu diệt thiên hạ. Nhân nghĩa lớn cứu đời loạn lạc. Đạo đức lớn đem Thái Bình lại cho nhân loại. 465. Một vị chơn tu thường bị người sỉ nhục, Ma Quỷ khảo đảo, Bá Đạo bới móc. Nếu nhịn nhục được lớn là đạt Đạo Lớn. Nếu diệt được chúng-sanh-tánh thì phàm tâm chết, đạo tâm xuất hiện. 466. Môn đệ của Nhà Phật mà hại môn đệ của Phật Gia là kẻ đó đang bị ma chướng chiếm đoạt lương tâm. Cho nên nghiệp Đạo muôn đời không bao giờ đắc thành. 467. Ở trong Đạo Hiền mà chứa đầy thú tánh, nói ra toàn là sự phân tranh tổn Đạo hại người. Kẻ đó đang bị ma chướng ba đời đến xúi để đưa họ đi vào Địa Ngục cho xử sớm rồi vậy. 468. Hại người mình tổn đức. Giết người mình đền mạng. Bôi nhọ người là đốt rừng đạo đức của chính mình. Cũng như người canh tác, mà đốt vườn diệt giống thì thu hoạch được cái chi? 469. Cửa khẩu là cái miệng, Thiên Đàng Địa Ngục đều do nó đưa đi. Nói lời lành, làm việc thiện, khuyên người giải oan để tầm tu chánh giác, là họ đang leo thang Tiên về Thiên Đàng. Còn Bá Đạo chờ cơ hại Đạo, gieo hoạ cho kẻ khác, thị phi đủ thứ. Đó là họ đang xây ngục lớn để giam linh hồn vạn kiếp rồi vậy. Cho nên nói: Khẩu Phật tâm xà là tu lâu thành Đại Quỷ. Khẩu Phật tâm Phật thì hoan hỷ về Trời. 470. Đạo cao thì hiểu sâu, đã hiểu sâu thì yên lặng. Đạo cạn thì hiểu nông. Nên thanh la đờn trống tụ quần hiệp chúng. Đến khi gió bão lớn thì bị trôi giạt muôn phương, không biết đâu mà tìm kiếm. 471. Nhìn xa được thì độ lượng rộng, trí tuệ viên dung, lòng Đạo phát thức. Nhìn thiển cận thì độ lượng hẹp, nên ti tiện, nhỏ mọn, rồi trở thành kẻ cô độc suốt đời. 472. Đức rộng thì chứa được nhiều độ lượng. Đức lớn thì chứa được nhiều bao dung và tha thứ. Còn toàn đức là trống dạ, không lòng, vô tâm, nên không còn Tánh nữa, việc gì cũng tuỳ duyên. 473. Cái Hoa của Đạo thường nở trong giông bão trái mùa. Cái Quả của Đạo thường kết ở chỗ không Trời không Đất. Cái Tâm của Đạo được nở là nhờ các nhác búa của Quỷ. Cái Lòng của Đạo được soi thấu là nhờ ngọn đuốc của lương tâm kết lại. 474. Muối không mặn không phải là muối biển. Đạo không thông chưa phải là Đạo Gia. Tình không có nghịch cảnh là tình không có chung thuỷ. Tất cả là học sự vấp ngã để trưởng thành đó vậy. 475. Con chim khôn, con thú linh, tất cả điều bị giới hạn. Chỉ có con người là đồng Tam Tài với Trời Đất. Vậy có thân mà không biết tu thân thì đã bỏ lỡ cơ hội làm người cho kiếp tới rồi vậy. 476. Ăn chay suốt đời cho tới tóc bạc, mà cái miệng chưa nói lời chay lạt, là còn đưa mình vào chỗ đoạ lạc của kiếp chúng sanh. 477. Tâm Ma: Thấy Phật thì theo Thấy Ma thì ghét Tâm hồn ấy còn Chứa đựng tâm ma. Tâm luân hồi: Mưu tính tương lai Luận bàn quá khứ Lòng còn dự trữ Nghiệp quả luân hồi. Tâm Phật: Thấy Phật thì vui Thấy Ma bình thản Lòng hết gian đảng Tâm Phật lộ bày. 480. Hãy để cho tâm yên lặng trong lúc nhập định tham thiền thì sẽ nhận được sự siêu diệu của Chơn Lý. 481. Niệm Hộ Pháp Chơn Ngôn là để quân bình tâm thức. Khi đạt tới chỗ quân bình thì đi theo Vô Biệt Niệm, hào quang sẽ kết nhân, Thiên Lý sẽ kết duyên, triền miên học hỏi. 482. Tâm còn động thì còn niệm. Tâm dứt động diệt niệm, là đi tới chỗ Vô Biệt Niệm. Đã Vô Biệt Niệm thì tự nhiên chúng sanh Hộ Niệm. 483. Ngộ được đường Đạo là để phá án mây của Ngũ Giới. Đạt được chỗ chánh niệm thì tâm pháp quy không. Đã quy Không thì Không còn mây để phá. 484. Học thì cần phải hỏi Tu thì cần phải hành. Luyện Đạo cần bí pháp. Thức Đạo cần chơn giải. Có thông suốt chỗ chơn giải, mới có đường giải thoát. 485. Diệt phàm tâm, quy Không động thì chơn tâm mở ra. Thấy Đạo là ánh hào quang Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nơi đó là nguồn gốc của Đạo. 486. Giác và mê, chỉ trong giây phút hồi quang thanh tịnh, thì nó hiện ra rõ hết. Đời hay Đạo chỉ nhìn vào cuộc sống của người hiện tại là biết rõ được ba kiếp của họ. 487. Tánh Thông: Tánh Đạo chưa thông Còn chỗ bất công Tánh Đạo đã thông Hài hoà công lý. 488. Kiến Tánh: Thấy rộng biết xa Không bằng kiến tánh Bói hay bàn giỏi Còn chỗ vọng tâm. 489. Địa Lý mà chưa học tới chỗ linh tâm thì chưa hiểu được cái diệu dụng của Trời Đất. Nếu đã học đến chỗ diệu dụng thì không làm nghề Địa Lý. 490. Thầy bói, đoán cho người thì hay, tính cho mình thì dở, là tại chưa thấu chỗ huyền cơ. Đã thấu chỗ huyền cơ thì xuất gia học Đạo. 491. Xưa nay Địa Lý tính xa Tính tầm đất tốt làm Ma giữ hồn Linh hồn bị huyệt nhốt vô Cháu con hưởng phước mình khô héo hồn. 492. NGỌC ẨN - Viên ngọc sáng, cho dù có rớt giữa bùn nhơ cũng không bị hư ố. Còn người quân tử dù bị hạ đến mất sỉ diện, cũng không loạn đến tâm thân. Ở trên đồi, trên núi cao, tùng bách cũng chịu nhiều phong hàn, tuyết giá bao phủ, bảo lớn gió to, nhưng nó vẫn không đổi màu thay sắc; sống hiên ngang giữa Trời Đất mà cũng không màng đến nắng sương. 493. Người quân tử có chí lớn, nên giữ trọn vẹn tấm lòng thành tín, để vượt qua khổ nạn, thoát gian nguy, mà sống trong tình Trời và tình nhân loại mãi mãi. 494. HẠNH PHÚC Ở ĐÂU? - Lập gia đình không phải là chỗ để gầy dựng hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến với người chơn tu đạt Đạo. Bởi vì: Hạnh phúc là vô hình. Tình yêu là bất diệt. Nó là vật vô hình, và cũng là vật vô sanh bất diệt, thì không thể lấy tình yêu của nhục dục mà đánh đổi nó được, bởi vì hửu hình thì hửu hoại. 495. Nam nữ lập gia đình là để thoả mãn lòng dục vọng của con người. Vì không giải thoát được, nên kiếm giới khác để bù đắp. Một khi lòng đã thanh thản thì Ma Lục Dục, Quỷ Thất Tình, cũng vô phương trú ẩn. 496. Hai tâm hồn mà chịu sống chung với nhau là để học rèn luyện những tánh tình kỳ cục nhất. Và học tập đức nhẫn nhục xây dựng gia đạo trong tâm hồn trách nhiệm 'thay Trời hành Đạo'. 497. THUẦN ĐẠO - Cái Đức đã sáng tỏ bên trong, cái Đạo hiệp làm một cùng Vũ Trụ. Đức nhuần thì Thông công Đạo hiệp vào Linh Thể Cái đạo đức sáng từ bên trong sáng ra bốn phía, thì nhuần gội được cỏ cây, yên lòng bá tánh. Đó là Thuần Đạo rồi vậy. 498. TIẾN ĐỨC - Trí tuệ là cái Đạo khai mở ở trong lòng. Mỗi việc suy nghĩ đều được trung thực. Còn sửa đổi đời sống và lời nói là cái hiện ra bên ngoài. Không có một câu nào mà không hiểu cùng tột của nó. 499. Sự trung tín là đi chung với lời nói. Lòng thành thật là tạo nên sự nghiệp. Hiểu biết tới chỗ cùng tột, việc làm thông thạo mạch lạc, giữ trọn nghĩa, là người nầy làm được việc lớn rồi vậy. 500. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống. Biết, đó là biết tu bổ sửa chửa cho tâm minh, Đạo đạt, nên không còn chết. Vì cõi đó Vô Sanh Bất Diệt. 501. Dùng hiểu biết của mình cho trong thiên hạ, thì sẽ trở thành người không hiểu biết. Còn kèm nhẹm nhân tài, sử dụng lòng vị kỷ, kẻ đó là giặc cướp sinh mạng của mình rồi vậy. Chỉ có người biết lấy điều thiện của thiên hạ cho thiên hạ tu dưỡng đạo đức, và biết sử dụng sự thông minh của thiên hạ để giúp trong thiên hạ. Đó là dùng sự hiểu biết rộng lớn của mình để an trong thiên hạ. 502. ĐỢI THỜI CƠ - Hơi nước bốc lên còn phải đợi khí Âm Dương hoà hiệp để làm mây. Rồi còn phải đợi điềm Trời xuôi thuận là nơi nào, mới làm mưa xuống được. Còn người quân tử nuôi tài đức mà chưa thi thố ra việc làm. Lòng còn mang túi đạo đức, ở yên để đợi thời Trời, an dưỡng để nuôi khí thể, yên vui thanh tịnh để hoà tâm chí. Đó là cách bình ái để chờ số mệnh. Giống như con đường Đạo ở giữa ngôi Thái Cực, tiến Dương trợ Âm mà vẫn trung dung chờ đợi người chơn tu trở về nguồn cội. Thì người quân tử hãy học theo cách nầy thì tự nhiên an phận. 503. TRÍ ĐẠO - Trí của người trong thiên hạ là muôn thứ khác nhau. Còn Chơn Lý của người thành Đạo thì chỉ có một. Cho nên bậc quân tử chỉ cần thông được Lý Đạo là có thể thông suốt được trí của thiên hạ. Còn Thánh Nhân là coi lòng của nhân loại cũng như một lòng. Đó là thông về Đạo Lý. Còn văn chương xán lạn, khi xét vào đâu thì sáng lý chỗ đó. Nên rõ về nghĩa đồng nhất thể, mà cùng đi theo luật Đạo của lòng Trời. 504. MINH TRIẾT - Có minh triết thì mới khai mở được trí tuệ, bảo tồn được thân tâm, sống vui an lạc. Sự giàu nhuận tao nhã, nhuần thấm khắp châu thân. Đức rộng về hiệp được với Thiên Chân thanh tịnh. Tâm hồn rỗng rang, linh thể tươi tốt, mà lại an nhiên độ lượng, quảng đại để nuôi chơn quang, dưỡng linh khí thân thể tươi tốt. Khi tâm Đạo phát triển, thì tự nhiên tài vật sản nghiệp không coi trọng phần vật chất nữa, chỉ xem nhẹ chớ không bỏ bớt đi. Nếu có nhiều, dư, thì đem dùng vào việc hửu ích cho Đạo, phụng sự việc nhân nghĩa để cứu đời, giúp an bình thạnh trị. Giúp Trời trong việc xây đời Thượng Ngươn Thánh Đức, hoằng hoá độ sanh cho thiên hạ hưởng, nhờ cuộc sống sung túc an vui. Còn tâm linh lại được hướng dẫn đến chỗ tu dưỡng đạt Đạo. 505. ĐẠO TRỊ MÌNH - Người quân tử phải biết lấy mình làm gốc, trở lại mình lo tu thân, tề gia, trị quốc, rồi bình thiên hạ. Lập nghiêm cho thân mình trước, rồi mới đến đem luật pháp thanh thản, đạo đức nhuần thấm cho thiên hạ học theo, đó là trị an. 506. BIỂN YÊU Hư Vô là một biển yêu vô cùng tận, mà lại thanh thản an vi như mới bắt nguồn tình yêu của đời Nguyên Thuỷ. Cho nên, làm người mới bắt đầu yêu, cũng đừng yêu quá mãnh liệt, vì nó sẽ trở thành một thứ tình yêu độc tài vị kỷ. Hãy nên yêu một cách thanh thản với cái thể di chuyển được tình Trời lớn rộng, cho linh khí tiếp rước linh hồn vào cõi Thiên Chơn. 507. TÌNH YÊU THIÊN QUỐC Hớn Quốc nêu cao tình Thiên Địa Long Hoa trống Việt trổ liên thanh Tình yêu Tiên Phật ba nguồn hợp Suối Đạo ban ra Pháp Thuỷ thành. Tôi mới biết yêu lúc ngộ tôi Hiệp vào biển Đạo của lòng Trời Tình yêu bao phủ ba nguồn hiệp Hạnh phúc sáng tròn mãi trong tôi. 508. PHÉP SỐNG LÂU - Lòng luôn giữ trống việc tư dục ở đời, để bụng chứa đầy nguyên khí của Trời. Trí bình an, buông hết sự lo lắng nghĩ bậy. Đó là phép giữ trống lòng. - Không theo sự xu hướng với Thất Tình Lục Dục. Học pháp môn thiền định để an dưỡng tinh thần cho ngươn Khí không bị hao hớt. Đó là phép chứa ngươn Khí đầy bụng. - Mỗi tháng, mỗi năm, tuổi đời tuy lớn, nhưng tinh thần sẽ cải lão hườn đồng thì xác thân sẽ trẻ lại. 509. THUỐC TRƯỜNG SANH Khử trược lưu thanh Đạo yên sẵn dành Vô vi thầm lặng Sống an đừng rán Đạo tự tịnh thanh Sức đừng để nhọc Tinh chớ tổn hao Chơn tánh hiệp vào Là thuốc trường sanh. 510. LÒNG TRỜI Lòng Trời vô tư nên hiệp cùng Đạo Tiên Phật thanh tịnh nên hiệp cùng Đạo Thánh Nhân chí thiện nên hiệp cùng Đạo Nhân loại trung hoà nên hiệp cùng Đạo. 511. TÂM KHÔNG Tâm hồn của con người đạt Đạo nó trống trơn, không vương vấn, không có tư dục trở ngăn, thì đạo đức của Trời mới giao hội. Từ đó cửa thiêng liêng thông lưu với luồng linh khí của Vũ Trụ, làm sáng bừng Thiên Chơn cảm tính. Buông tâm bé nhỏ cỏn con, không còn vướng mắc, thì mới giao tâm cùng Đạo. Khi hiệp được làm một với Đạo, nó như con số Không to lớn tròn đầy. Mới ngộ tưởng là vô hiệu lực. Chớ tu được linh khí ở đó để hiệp thân, thì chính mình được luyện trong Lò Trời đó vậy. Khi ứng dụng tới nó thì linh ứng vô cùng. Lúc đó mới biết sự trống không của Trời chứa đầy đủ pháp lực. 512. TÌNH YÊU THÁI BÌNH Trời đã cho tôi một mối tình Đem nguồn minh triết độ nhân sinh Hoà cùng Tam Giới duyên học Đạo Viết lại thành văn bút Thái Bình. Tôi chứa trong tôi một khối tình Hoà trong nhịp thở của nhân sinh Hoà trong Vũ Trụ tình nhân loại Đó gọi là tình yêu độ sanh. - Hết - Lý theo Khí Hoá mà chuyển thành Điển Giới Điển hiệp thể âm dương mà tạo thành Văn Văn do Linh Tâm của Thánh Nhân mà viết lại thành Sách để phục vụ cho Chơn Linh tu hành giải thoát. Linh tâm cảm theo lòng Trời Văn giải kinh để mà hành Đạo. Chơn Lý rót mãi không đầy Pháp Thuỷ ban hoài không dứt. Kính Bái, Vô Danh Thị. Chơn Đạo Vô Hình. Chơn Phật Vô Tướng. Chơn Nhơn Vô Danh. Chơn Tu Vô Tranh. (Hết trang cuối.)
1
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Feb 27, 2022
(Tiếp đầu trang 103.) 421. Tất cả các tôn giáo điều học một trường Tất cả nhân loại điều có một Cha một Mẹ. Người có tâm linh cao nhất là người có độ lượng nhiều nhất. 422. Một vị tướng tài giỏi về mặt điều hành quân đội, nhưng không thể coi thường việc nhân nghĩa của thiên hạ được. 423. Nhân tri thời vận còn mệnh ở Trời. Nếu Trời xuôi thuận thì thiên hạ theo về. 424. Việc nhân nghĩa cần người hợp tác bằng phương tiện và hành động, chớ không cần loại nhân nghĩa chỉ lý thuyết suông. 425. Văn chương phải đi chung với đạo đức. Võ học phải đi chung với võ đạo. Nếu tách nó ra thì không dùng vào việc gì được. 426. Dù có bịnh tật bất ngờ trong lúc luyện Đạo cũng nên lấy làm vui, vì có cơ hội trả nghiệp. 427. Có nhiều món nợ họ không chịu khất lại, ta cũng đành phải trả, chớ biết nói sao trong lúc nghèo khó. Hy vọng người ấy có Đạo Tâm mà thông cảm. 428. Ra đời hành Đạo là trở ngại muôn ngàn. Nếu đã đủ lòng vị tha thì gặt hái được nhiều kết quả về sau. 429. Cho dù người cha có khắt khe cho lắm cũng vì sợ con không được thành nhân. Nếu con đạt được thì thấy người Cha đó trở thành dễ chịu nhất thế gian. 430. Thái Bình khôi phục sẽ không còn biên giới. Đạo đức thạnh vượng sẽ không có chiến tranh. Quốc gia giàu mạnh sẽ không còn đói khó. 431. Quân trong nước là con của bá tánh hiệp lại. Bậc nhân nghĩa xin đừng xé lòng của bá tánh. 432. Tiếng nói không lời mà người hành Đạo chỉ biết thuận theo mệnh Trời mà làm việc. Bởi vì họ đã nghe được tiếng nói của Hư Vô hiệp với chơn tâm của họ rồi vậy. 433. Nước từ trên nguồn đổ xuống theo sông rồi ra biển. Nước từ biển bốc lên làm mây mưa rồi lại đổ xuống trên nguồn. Vậy chỗ nào là cao của Pháp Thuỷ? 434. Thanh là khí của Trời mà ra. Hoà là khí từ người mà có. Thanh mà chưa tu tịnh là khí của Trời còn bị kẹt. Hoà mà không xuôi thuận là khí trong người còn phân biệt. Vì còn bị kẹt cho nên Thượng Đế cho thi cha, thi thầy, rồi thi huynh đệ. 435. Cho dù con cá có lớn đến bao nhiêu, cũng nhờ nước mà trưởng thành. Nhưng tại sao cá không chấp nhận nước là mẹ của mình? Vì không chấp nhận nên cá lẩn trốn hoài, nhưng vẫn không thoát khỏi sự nuôi dưỡng của nước. 436. Bồ Tát có ba cách tu: một là Tu Phước; hai là Tu Huệ; ba là Tu Phương Tiện. Người mà làm được một trong ba cách trên thì không còn sợ trể. 437. Phong vũ là điềm của Trời hiện diện mọi nơi. Mạnh thì làm vũ bão. Yếu thì làm giọt sương lành. Luôn tưới mát lòng người, nhuần thấm cây cỏ. 438. Giọt sương lúc nào cũng ngọt và mát. Tuy bay giữa Trời thanh cao mà lại cô đơn thanh nhẹ. Nếu ngày nào nó kết lại với mây, làm được mưa, thì chắc nó vui lắm nhỉ? 439. Đêm đêm thảo mộc còn biết ngậm sương để trưởng thành. Các loài thú cầm cũng biết ngậm ngọc để rèn Tâm Pháp, để đắc thành Tán Tiên. Còn người thông minh phải biết ngậm Mô-Ni-Châu để luyện thành chánh quả. 440. Tinh tú là các vì sao sáng như cặp mắt của chư Thần đang chiếu rọi xuống trần gian. Nếu người mà được nó chiếu rọi thì chơn tâm sẽ bừng sáng, giác ngộ được chơn lý. 441. Hằng Nga là cây đèn của Trời, soi sáng muôn phương trong đêm dài lặng lẽ; chỉ đường cho nhân loại đi theo. Cho đến khi tâm mình lại là trăng lúc đó mới là bậc ngộ Đạo. 442. Đời là một bãi trường thi. Đạo là một cơ huyền bí. Nhẫn được ở đời là để rèn tâm. Nhịn được trong Đạo là để rèn trí. Đó là người đang cầm chìa khoá của Phật pháp rồi vậy. 443. Người học Đạo không nên chấp Không mà không chịu học Kinh Luận, vì như vậy sẽ làm hạn hẹp kiến thức của mình. Nhưng cũng đừng nên mê vào văn tự nhiều quá, vì sẽ bị nó trói buộc vào văn minh khoa học thì sẽ không giải thoát được Chơn Linh. Còn người mượn đó để học, để biết, thì cái biết đó rất hửu ích. 444. - Điển Văn là lý cảm ứng của Vũ Trụ, càng cảm nhận thì nó càng ứng biến vô cùng. - Điển Tâm là lý siêu hình, nó là Thần Thông Diệu Pháp, là Pháp Lực của Chơn Đạo. Người học Đạo phải luyện đến Linh Khí của Hư Vô thì mới đạt được Điển Tâm tròn đầy của Vũ Trụ. 445. Con cá mà muốn được hoá Long còn biết trầm mình giữa biển sâu tu luyện. Còn người muốn đạt Đạo thì phải biết an phận mình giữa cảnh phồn hoa đô hội. Đó là cách an phận để thành Đạo. 446. Đạo hạnh của Bồ Tát là luyện khổ để rèn tâm; học nhẫn nhục để luyện tánh. Khi tâm tròn tánh đầy là lúc đi cứu khổ ban vui rồi vậy. 447. Không khí đi khắp nơi nơi, ở trong mọi vật, thì ánh sáng của Đạo cũng hiện hửu trong khắp không gian và Vũ Trụ. Tâm động thần giao là nhờ Đạo hiện ở mọi nơi nên trở thành Linh Pháp để cứu độ nhân sanh. 448. Không có khổ ải thì không có sự trưởng thành. Không có đau thương thì nghị lực yếu ớt. Khổ ải để rèn dũng chí. Đau thương là rèn tâm pháp của con người để sớm thành chánh quả. 449. Trái cây trên cành ngọt chua còn có lúc khác nhau. Lòng người mà chưa thanh tịnh chẳng khác nào như quả chua, càng ăn vào thì càng thấy chua chát. Nếu để cho nó chín rồi mà ăn thì không còn thấy chua nữa. 450. Vật nặng thì chìm xuống. Vật nhẹ thì bay lên. Cũng như con người lúc thanh nhẹ thì thanh thản, lúc ô trược thì lại u buồn. Vì vậy người mà đạt Đạo sẽ đi ngoài sự phiền muộn vui buồn của nhân thế. 451. Mưa pháp ban ra là mong tưới các cây Nguyên Linh đâm chồi, trổ nhuỵ, khai hoa. Phật Pháp ban ra là mong tìm được người truyền đời phổ Đạo. 452. Khổ để rèn Tâm. Khó để rèn Chí. Trở ngại để rèn lòng trung dũng. Nếu không có những cái nầy thì không có người thành Đạo Lớn. 453. Con cá lớn mà muốn thoát ra khỏi nước, đi tìm hoài mà vẫn không có đường thoát khỏi nước. Cá mới hỏi Bà Nước. Bà Nước nói: "Con sống cũng nhờ ta, con chết cũng nhờ muối của ta." Vì vậy: Cá sống nhờ có nước. Người sống cần có Đạo. 454. Lúc mới học Đạo như người vào trường Đại Học để học nghề. Người đã quyết lòng tu học thì không nên có tánh lưỡng hai. Vì cái tánh lưỡng hai là ma chướng đoạn tuyệt nhân duyên của người học Đạo. 455. Gió lớn mưa to không đáng lo sợ, mà đáng lo sợ nhất là lòng trở ngại của con người. 456. Đã chịu ra biển khơi thì đừng sợ sóng lớn. Đã tu Đạo Lớn thì đừng sợ sóng đời vây bủa. 457. Muốn tu giải thoát, Đạo quả lên cao, dù cho gặp sỉ nhục đến chết hết cả danh dự. Nhưng nhờ nó mà diệt được lòng phàm, để cho lòng đừng theo đó mà chết thì sẽ trở thành bậc vĩ nhân. 458. Thấy được, nghe được, biết được, nói được, là phàm tâm phán xét. Không thấy, không nghe, không đến được, mà mình hiệp được, đó là bậc siêu nhân. Đã là bậc siêu nhân thì nhân loại kỉnh học. 459. Trời Đất lấy 36 pháp Thiên Cang hiệp lại thành một vòng, làm một chu kỳ vận chuyển. Còn người lấy 36 tuổi làm nửa chu kỳ, 72 tuổi làm một chu kỳ. Cho nên việc gì ban ra cũng sẽ được nhận lại là vậy. 460. Người tu là tin có Trời, có Phật. Vậy hãy đem hết sự quyết định của định mệnh mình mà giao phó cho Trời, thì linh tâm không còn gặp trở ngại nữa, và sẽ sớm thành chánh quả. 461. Xuân Hạ Thu Đông, bốn mùa luân chuyển, mà không có mùa nào giống mùa nào. Vì vậy người học Đạo đừng mong kinh Phật có trang cuối. Bởi vì: Đường đời có đoạn cuối. Đường Đạo thật vô biên. 462. ĐẠI HIẾU CHƠN TU Là học sinh, thi mãn khoá mới biết đậu hay rớt. Còn người mới đi tu, đừng sợ mình là kẻ bất hiếu, không làm tròn bổn phận với gia đình. Bởi vì, khi chưa xuống lỗ thì chớ vội lo mình tròn bổn phận hay không; chưa hết cuộc đời đừng vội trách người tu là bất hiếu. Chỉ có người đi tu mới tròn đầy hiếu đạo và siêu thăng được Cửu Huyền Thất Tổ. Gia đình nào có con đi tu là giải được ba đời nghiệp chướng của tiền căn, mà còn hưởng được phúc báu ba đời của người chơn tâm đi tu hành Đạo. Khi xưa Quán Âm, Thích Ca, Di Lạc, đi tu cũng đều ly gia tầm sư học Đạo. Khi đã đạt Đạo lại siêu thoát được cha mẹ ông bà và chín đời Cửu Tổ. Đó là tấm gương lớn cho bậc có linh tâm. (Hết trang 113.)
1
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Feb 27, 2022
(Tiếp Đầu Trang 94.) 392. Đi tu không phải bỏ đời. Cầu Đạo không phải lánh đời. Đi tu được an thì lấy an mà độ đời. Cầu Đạo được tỉnh thì lấy tỉnh để thức người. 393. Trời trồng cây Nguyên Linh. Người trồng cây Lương Tâm. Đạo đức trồng người Chí Thiện. Có trồng được người Chí Thiện thì thiên hạ mới có bậc Minh Sư. 394. Người Hiền Nhân đại diện đức lớn của Trời. Người Đạo Nhân đại diện đức lớn của Phật. Không nên hại người hiền, hại người hiền Trời phạt. Không nên hại người Đạo, hại người Đạo muôn đời không được siêu sinh. 395. Giống lành nghe kinh thì lãnh hội. Đạo lành nghe kinh thì tỏ ngộ. Người được vậy là đã lộ chơn tướng Phật Pháp Tăng rồi vậy. 396. Nước bình thì dân an. Nước chiến thì dân loạn. Bậc quân tử nên yên việc nước trước việc của mình, thì thiên hạ tự yên. 397. Lo cái lo trước của dân. Thấy cái xa ngàn dặm. Hiểu biết trên bậc hiền sĩ. Mà lại vui sau cái vui của thiên hạ. Đó là bậc quân tử tuỳ cơ mà tri nhân tâm rồi vậy. 398. Người còn mê cho Đạo là xa. Kẻ giác nhìn Đạo trước mắt. Thấy việc thiện không thể bỏ, đó là đạo đức của người chơn tu. 399. Thấy việc thiện ta nên tích luỹ. Nó vốn là báu quý độ đời Tu tâm thiện đức không rời Mong khai ruộng phúc ở nơi Thiên Đàng. Lòng hành Đạo kho tàng là thiện Độ cho người là tạo thiện duyên Tích vàng thác chẳng mang theo Tích ngàn việc thiện Thánh Tiên rước về. Lấy châu báu đem ra làm phúc Đó là đem đạo đức về Trời Độ nhân, Trời độ con ơi Tình con lớn rộng Đạo Trời hiệp tâm. Ai mà biết thường làm điều thiện Bố thí đi thiện đức tái bồi Của tiền hỷ xả ban vui Cho người nghèo khổ là nuôi thiện từ. Còn biết Đạo giúp đời phương tiện Là thay Thầy Hành Đạo Thế Thiên Con tu thấy cảnh Đồ Thiên Là Thầy đã rước con hiền hồi quê. Cửa thiện đức Bồ Đề căn gốc Tâm thiện lành là đọc ý Trời Từ bi ban bố cho đời Là con trồng ruộng trên Trời Đại La. 400. Nếu đạt Đạo được thì không bao giờ mất. Còn hạnh đức hành được thì không bao giờ chê. Hai cái đó nó luôn sống mãi trong lòng người. 401. Luyện Đạo có lúc trồi, lúc sụt, lúc tịnh, lúc động, đó là còn vọng tâm cầu an. Còn lòng đã an, tự nhiên thanh tĩnh vô vi lặng lẽ. 402. Cha Mẹ dạy con còn có chỗ chưa dạy. Còn Trời dạy con thì đến chỗ toàn giác. Một khi Trời đã dạy thì không còn phương trốn thoát. 403. Phật đốn nhờ tâm pháp ngộ Không Vía Hồn hội tụ lẽ Nhân Ông Tiên tu nhờ pháp thành Chơn Giác Gom lại Ba Nhà rõ Tổ Tông. Phật hội Tâm Vô nhập Niết Bàn Tiên chầu Ngọc Đế sáng Linh Quang. Ngũ Khí Triều Ngươn Tam Thanh Hội. Đốn ngộ nhờ cầm gậy Kim Cang. Phật kết Huệ Tâm ở Hư Không Lò Trời trui luyện đạt Chơn Thân Tiên vào Bát Quái Lò Thiên Điển Rèn luyện cho rành Ngọc Hư Không. Phật giảng chánh kinh pháp Bảo Toà Tiên ngồi nhập định Đạo đầy kho Phật cười giao điển Tiên Thiên tiếp Anh trước em sau Đạo tròn vo. 404. Ai muốn vào Thiên Đàng thì phải dọn mình cho sạch để khỏi bận lòng với Chư Tiên. 405. Không có người Mẹ nào thương con cho bằng Đức Từ Mẫu - Diêu Trì Kim Mẫu. Không có người Cha nào thương con cho bằng Đức Chí Tôn - Ngọc Hoàng Thượng Đế. 406. Thượng Đế thường nghiêm, nhưng rất từ bi, bên trong chứa đầy bao dung độ lượng. Phật Mẫu rất chìu con, nhưng Ngài rất hài hoà dạy dỗ. 407. Bịnh do tánh sanh. Tánh do chất độc phát khởi. Chất độc do gia vị tạo thành mà nhiễm vào chân tánh ở trong các Ngũ Tạng, đầy khắp cả trong kinh mạch, nên phát khởi bịnh. Vì vậy mới nói bịnh do tánh sanh. 408. Tình thương của Mẹ Diêu Trì Thương con trong Đại Từ Bi của Trời Thương con mà Mẹ nghẹn lời Nhìn con lệ đổ tuôn rơi hai hàng. Tình thương của Mẹ Thiên Đàng Biết bao trìu mến muôn ngàn quý thương Độ con trở lại Thiên Đường Cho con hiệp mặt tình thương của Trời. Con ơi tình Mẹ sáng ngời Đêm đêm dẫn độ không lời, lặng thinh Chiếu cho ngòi bút Thái Bình Sớm thành Đạo Lớn giảng kinh độ đời. Cho con thay Mẹ con ơi Hành hương xứ xứ độ người lai kinh Biết bao chơn lý hành trình Ban lời châu ngọc con minh viết bài. Tâm thành làm việc cho Thầy Mẹ đây ban điển con say Đạo Mầu Từ bi tình Mẹ bắt cầu Cho con viết lại những câu thiện từ. 409. Nhân quả là cánh cửa Vô Vi. Cho nên luật tiến thoái đã hiện rõ ràng trước mắt. Trồng nhân gì thì hái quả nấy, không thiên lệch. 410. Chỗ cao nhất là chỗ lạnh tột cùng. Nơi phú quý tột đỉnh là chỗ cô đơn nhất. Ai có nếm qua mới thấy mùi vị của nó. 411.Gieo nhân cho đời kế tiếp là bổn phận của cha mẹ. Truyền nhân cho đời kế tiếp là bổn phận của các vị chơn sư. 412. Học Đạo đừng nên gấp gáp, mà hãy giữ lòng bình thản. Khi vạn sự được lập lại trật tự thì tâm Đạo cũng theo đó mà phục hồi. 413. Người tu có hạnh hoà đồng tôn giáo, là trong người đó có đức lớn của Trời Đất, có hạnh lớn của các vị giáo chủ rồi vậy. 414. Đứng trước Thiên Chúa trăm họ như con. Tất cả như cừu non vô vi thanh tịnh. 415. Tuổi trẻ, cái yếu nhất là dễ tin, cái khó nhất là không biết tự trị chính mình. Nếu tự trị được cho chính mình là tuổi trẻ sẽ thành công lớn. 416. Tuổi trẻ mà biết kiên nhẫn học tập, tu bổ sửa chửa cho bản thân, sẽ sớm trở thành người đại diện tinh thần cho nhân loại. 417. Tất cả tuổi trẻ là ánh sáng của nhân loại, là nhân chứng của Trời Đất, là thành đồng cột vàng của tổ quốc. 418. Làm trai mà siêng năng tu học, làm gái mà có đủ Công Dung Ngôn Hạnh. Đó là những người nhân tài của xã hội hiện tại. 419. Núi cao để rèn lòng dũng sĩ. Đường xa để thử dạ kiên trì. Núi tuy cao nhưng trí ta lại cao hơn. Đường tuy dài nhưng ý chí ta lại dài hơn. 420. Không bỏ cũ, không theo mới, mà chỉ theo những cái hay để cầu học. Đó là người hiền tài lương tướng vậy. (Hết trang 102.)
1
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Feb 24, 2022
(Tiếp Đầu Trang 84.) 362. TRAI GÁI Trai không Đạo sanh lòng uỷ mị Gái vô tâm luân lý chẳng gìn Đời sanh ra thất đức loạn luân Đạo sanh chỗ mê tâm đồ khỗ. Người học hành phải thường tu bổ Cho nhân tâm vào chỗ Huyền Hoàng Lỗi mà biết sửa thì sang Còn theo nhục dục tam quan đục ngầu. Sanh ra cảnh đầu trâu mặt ngựa Tại kiếp xưa lầm lỗi chẳng chừa Nhìn thú cầm biết rõ tội xưa Nay giữa thế kẻ bò người lết. Nếu cảm ứng những điều thấy biết Hỏi lương tri có thiết tha không Lòng mình còn đục, lóng trong Tánh mình mê dục, giải thông cho rồi. Cửa Lục Dục do nhân nhồi quả Đường luân hồi nghiệp cả đeo mang Ba lòng sáu tánh chưa an Mà tu Đạo Lớn lại càng rối tâm. Đạo tự hối rồi tâm sám hối Cho ba dòng sông tội sạch thanh Trước sau đạo đức thiện lành Mới mong hiệp được Tam Thanh của Trời. Lời đạo đức Đạo Trời phải 'đốn' Cho mọc ra một ngọn Bồ Đề Để chúng sanh thoát mùi mê Mê mà giác được mới về tự nhiên. 363. Trược nhờ pháp để khử Đạo nhờ tu mới giác. Thiền nhờ ngộ mới thông. Luyện nhờ thanh mới tĩnh. Có đạt được chỗ thanh tĩnh mới giải thoát đời đời. 364. Minh tâm nhờ kiến tánh. Đạo thuần nhờ tánh an. Đức trọng nhờ tu luyện. Có tu luyện khổ hạnh, thì mới rèn được tâm, minh tánh Đạo, để thành Đạo. 365. Chấp thiện ghét ác là còn mê. Lòng thiện cứ làm, việc ác không để ý, đó là đạt được thiện tâm. Còn khi nào thiện ác không sanh thì mới thật sự là tâm chí thiện. 366. Hạnh nhờ đức để gieo nhân. Đạo nhờ pháp để truyền nhân. Đã tầm được người truyền nhân là trồng được Đạo Lớn. 367. Pháp nhờ thí ngôn mà người được ngộ tánh. Đạo nhờ tu nhân mà người được thành Tiên. Cho nên thí ngôn, thí pháp, độ nhân, truyền đời, là bốn công việc của người thành Đạo không thể thiếu được. 368. Trước khi học Đạo phải lập đức dưỡng tâm. Sau khi học Đạo phải an phận tịnh tánh. Có làm được như vậy thì học Đạo mới giác tánh độ tha, truyền đời phổ hoá. 369. Tịnh tâm đã mở, thấy biết được cõi Vô Vi. Càng thấy biết nhiều, phải càng thanh tịnh cho hiệp một cùng Đạo. Còn đem nó ra mà bàn luận thì không nên, tâm sẽ bị hạ tầng công tác, và muôn năm nghiệp Đạo không thành. 370. Thấy được Thiên Tôn, biết được Phật Tánh thì hãy để cho nó tự yên tịnh, tự phát, tự sinh, tự dưỡng đạo đức. Không nên lấy đó bàn ra, vì Đạo sẽ hết linh nghiệm. 371. Thiên Lý chỉ có ứng tâm, nghe cũng ở trong tâm, thấy biết cũng ở trong tâm. Còn nghe thấy biết theo trí xét của mắt mũi, là còn bị Lục Căn phỉnh dỗ. 372. Các Thần Tướng hiện thân trước mắt có khi là Lục Thân hoá thể. Hãy giảng kinh thuyết pháp cho tụi nó quy Đạo. 373. Độ mình là minh giải. Độ người là tiến giải. Độ thiên hạ là tự giải. Thiên hạ có tự giải thì mới đạt chỗ tự thoát. 374. Thương người là Nhân đạo. Độ người là Minh đạo. Đạo trong Nhân thì giải đời thoát Đạo. Đạo trong Minh thì sáng, sáng mình và sáng họ. 375. Giải được tâm mới mở trói. Kèm được tánh mới nhốt cọp. Phải cần tu dưỡng dài hạn thì mới tập cho nó thuần Đạo. 376. Đứng trước ánh sáng thì phía sau có bóng tối. Đứng trước bóng tối thì trước sau đều tối. Người ở chỗ tối ra hiệp được ánh sáng nhưng vẫn còn một nửa bóng tối. Khi nào ánh sáng bao trùm hết bộ đầu thì bóng tối mới tan biến. 377. Đạo Hư Vô là Thầy. Đạo Thái Hư là Cha. Đạo Hửu Sắc là Mẹ. Thầy thường không nói mà dạy ở trong tâm. Cha thường nghiêm huấn, hiền dữ đều kính sợ. Mẹ thường nuông chìu nên được thương yêu. Con hay thì theo Thầy. Con ngay thì theo Cha. Con cưng thì theo Mẹ. Đạo Lớn làm Thầy. Đức Lớn làm Cha. Nhân Lớn làm Mẹ. Đó là kinh của Tam Giáo, Đạo của Trời Đất. 378. Người trung nghĩa là: nghèo thì tương trợ, khó thì cùng chia, khổ thì đồng chịu, khi giàu không tranh danh, không đoạt lợi. 379. Người chí hiếu là: thấy Đạo cầu tu, thấy đức cầu xuôi thuận, thấy nhân nghĩa thì phò, thấy Đạo Lý thì học. Trên hoà chớ không đồng loã. Dưới thuận chớ không nịnh bợ. 380. Người có lòng tham ác là một con Quỷ Đói, ăn hoài không no, hại đời mà thấy chưa thoả. Đói lại đói hoài nên nhân loại gần họ thì đại loạn. 381. Phúc điền là mảnh đất linh ở trên Trời. Là Xá Huệ Quốc của Kim Tiên Ngọc Phật Còn độ lượng rộng lớn là chỗ cấy phúc điền nơi quốc độ của chư Phật. 382. Chặt một đường gươm để thay đổi vị trí. Giác một lý Đạo để thay đổi một quan niệm sống. Thuyết một thời pháp để cho người tự giải thoát. 383. Sức mạnh của Đạo là vô hình. Tuy không thấy mà linh ứng muôn nơi, vạn nẻo. Người muốn hiệp với sức mạnh của Đạo chỉ có hàng Chí Nhân mới làm được. 384. Đạo đức là cây thước vô hình đo được lòng nhân của các giới. Tâm đức là kho lớn của Trời chứa hoài không hết. 385. TỰ TÁNH Bồ Đề có trong tánh Thì nó tự biết sanh Phật pháp có trong tâm Thì tự nó biết thâu. Đạo pháp đã minh giải Thì tự ngộ nhân luân Nếu mưa pháp chưa mạnh Thì không có Đạo Lành. Giống Phật là vô giá Đạo Học là duy tâm Nếu tâm chưa khai trổ Là Tâm Phật chưa sanh. Tâm chẳng có Phật sanh Coi là giống không lành Dù ngâm trong ao pháp Chỉ thêm ố mùi tanh. Hiện nhân nên nhớ kỹ Thiên Lý không chìu nhân Luyến tình chúng-sanh-tánh Hiệp nó là vô nhân. Phật chẳng ở ngoài nhân Nhân không giống của Phật Rừng hoang đất hoang trống ước công trồng. Nếu nó có sanh ra Giống Bồ Đề thiện đức Nếu tối đen như mực Là không giống Như Lai. 386. Ngọc không giồi không sáng. Đạo không nhồi không thức. Đã thức được Đạo thì kể từ đó tiến đức tu thân. 387. Kẻ có ác tâm mà không chịu diệt cái ác tâm đi, thì sẽ sanh ra cái bịnh bè phái, phân chia. Để rồi vui lòng chôn mình ở Địa Ngục muôn đời không thoát. 388. Linh tâm, mở được nó ra, thì tình yêu nhân loại tự nhiên được khôi phục. Và dấn thân hành Đạo và học Đạo vô quái ngại. 389. Tiến phúc tu nhân là con đường lớn cho người hành Đạo. Tích đức luyện Đạo là cái duyên cho mình hiệp Đạo. 390. Làm người là theo ý của mình. Hành Đạo là theo ý của Trời. Gieo nhân là theo ý của thiên hạ. Khởi điểm còn do nhân ý. Vào Đạo tự hiệp một với Thiên Ý. Nhờ vậy mà chia cho khắp cả thiên hạ vẫn còn đầy. 391. Lên trời, xuống đất, ra khơi, không có ở đâu yên tịnh cho bằng ở trong tâm. Khi tâm được hiệp với Đạo rồi, thì an nhiên thanh tịnh. (Hết trang 93.)
1
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Feb 23, 2022
(Tiếp Đầu Trang 75.) 332. Người cầm súng muốn bắn xuống thì phải vươn lên, muốn bắn lên thì phải hạ xuống, vậy mà không bắn được chỗ Không Tâm. Không Tâm là chỗ huyền biến của con người. Không Tên là chỗ giải thoát của Đạo. 333. Gần Bạo Quân như gần cọp; muốn ăn mình lúc nào cũng không hay. Gần Thánh Quân như gần Trời; đang cất nhà lớn cho mình dưỡng Đạo. 334. Giảng Đạo độ đời là việc bậc chí nhân thành Đạo. Còn người mới tu nên yên lặng để mà tu. Không nên tỉnh ai trong khi mình chưa tỉnh được đạo đức ngàn năm mờ tối của chính mình. Nếu mình tỉnh được mình rồi thì thiên hạ tự tỉnh. 335. Đạo thanh thì tánh liêm. Lòng công bình thì tâm minh chánh. Nhờ vậy mà đại diện được hàng đạo đức. 336. Con chim sáo và nhà sư, hai bên điều nói được tiếng người, điều thuộc các kinh sách. Nhưng tại sao vị sư thành chánh quả mà con sáo vẫn còn nguyên thế? 337. Đèn sáng để soi đường. Tâm sáng để soi Đạo. Tu hoài mà chưa thấy sáng đó là đèn lương tri còn tối. Coi chừng làm việc bất nghĩa. 338. Con cọp dữ không đáng sợ vì còn có thể trị được. Nhưng xưa nay không ai trị nổi lòng băng hoại của con người. Chỉ có cách là tự hồi sinh. 339. Soi đường, soi người, việc đó không cần thiết với người học Đạo. Người học Đạo tự soi tỏ tâm mình, tự học tự đi là rút ngắn được ngàn năm luyện Đạo. 340. Thấy mạnh thì theo, thấy yếu thì bỏ, là người chưa biết cái hửu dụng của Đạo. Vì Đạo: Mạnh làm như yếu. Yếu làm như an. An làm như yên. Yên làm như tịnh. Người có làm được như vậy mới thành Đạo lớn. 341. Mặt trời chiếu sáng mọi nơi mà còn có hang luồn ngỏ tối chưa rọi tới. Lòng người tráo trở thì Trời Đất cũng bó tay, Đạo Gia cũng không còn phương pháp cứu độ. 342. Cơ hội đến mà mình không biết nắm, đạo đức đến mà không biết bố thí và học tập, người đó chưa đủ nhân tánh để dưỡng Đạo. 343. Sóng lớn biết né thì khỏi. Gió lớn biết núp thì yên. Chỉ có Đạo Lớn mới thể hiện ra hết cho người người tu dưỡng. 344. Tài mà không đức là tài thô. Đức mà không Đạo là đức nhược. Đã đến chỗ thô nhược thì không dùng vào việc chi được. 345. Thánh là sáng. Đạo là tròn. Ánh sáng đã tròn đầy thì hiệp làm một với Đạo, thì soi đâu tỏ đó. 346. Đạo đức cho đến chỗ chung thuỷ thì không bao giờ dám chế cho đầy, vì sợ bị tràn; không bao giờ dám chao, chao thì sợ đổ. 347. Nhân Tướng là người tu dưỡng có độ lượng. Trên biết kính Trời, dưới biết dụng người, an lòng bá tánh. Lập đức cho thiên hạ xuôi thuận. Lập Đạo cho thiên hạ tu dưỡng. Tinh thông mậu dịch để nuôi người. Phân xử đúng Đạo cho nhân phục. Nhân đã phục tùng thì thiên hạ mới thạnh trị. 348. Văn Tướng không tu Đạo, chỉ có chỗ lý chưa có kiến thuyết, càng nói càng xa luật. Khi nào có Đạo thì lý cùng thuyết mới thông suốt, Đạo và luật sẽ được minh chánh, để cho thiên hạ kỉnh phục. 349. Thiên Tướng là phải thông thiên văn, đoán biết được phong võ thời tiết, biết được lòng Trời, an được sự vật. Trong nghiêm với mình, ngoài rộng với người, thưởng phạt nghiêm minh cho quân bình đều phục. 350. Địa Tướng là thông đạt địa lý, độn giáp thiên cang, điều binh bố trận. Biết phong thuỷ, sơn lam chướng khí, địa nhiệt sanh ra bịnh phong thấp, sốt rét. Biết đường thuỷ vận, biết lối sơn cước, biết lộ vào thành, trọng binh như trọng mình, quyền biến có đủ. 351. Võ Tướng không tu Đạo, chỉ dùng được cái oai lực chớ chưa dùng đến chỗ nghiêm minh. Còn Võ Tướng mà có Đạo thì oai nghiêm đầy đủ, đức độ vẹn toàn. 352. Việc võ không thể giao cho quan văn làm. Việc văn không thể giao cho quan võ làm. Chỉ khi nào vị ấy văn võ song toàn. 353. Người mới tu: - Tuy thuộc văn học của Đạo, chớ chưa biết cách luyện Đạo. - Tuy có phép luyện tập chớ chưa thông hiểu. - Đã thông hiểu thì xin lãnh hội mật pháp. - Đã học được mật pháp thì họ tự biên, tự diễn, mới đủ trí tuệ để đạt Đạo. 354. Nếu ăn được no hoài thì người ta sẽ không bao giờ đói. Vì vậy học Đạo cũng không bao giờ hết, xin đừng có dừng. Nếu đã dừng thì trở về lại lúc ban đầu. Vì Đạo là khí hoá, không tiến thì lùi, chớ không có đứng yên một chỗ. 355. Đạo muốn giữ được vĩnh viễn, thì phải tu cho tới khi nguyên khí tròn đầy. Khi tròn đầy thì không bao giờ tuột nữa. 356. Quý tiền của, khi chết tay không. Quý nhân nghĩa, khi chết nó luôn sống mãi. Quý châu thân, khi chết được giải thoát. 357. Lúc tịnh đừng khởi động. Lúc động đừng khởi tịnh. Vì làm như vậy động tịnh sẽ giao chiến lẫn nhau. Lúc động thì biết yên nghỉ. Lúc tịnh thì biết thanh thản. Có vậy mới hiệp Đạo. 358. Người mới học Đạo phải xa động tìm tịnh, cho thần khí được bình an, lưu thanh khử trược. Khi đã đạt Đạo, thì vào động tầm tịnh. Nếu tịnh được, là người đạt trọn vẹn sự thanh tịnh. 359. Người đời quý tiền của. Người hiền quý nhân nghĩa. Người có Đạo biết quý châu thân. Vì nhờ châu thân để luyện tập thành chánh quả. 360. Học Đạo đừng cầu chứng, cầu sẽ biến chứng. Tu Đạo đừng cầu đắc, cầu sẽ gặp ma chướng. Học thì cứ bình thản. Tu thì cứ an nhiên. Từ từ đến mùa thì tự nhiên có hoa có quả chớ lo gì. 361. Có thân nên quý châu thân Sanh ra một kiếp nghĩa nhân vẹn toàn. Lúc sanh bé nhỏ cỏn con Người thương kẻ quý như hòn bảo châu Thành nhân luân lý bắt cầu Chết thì bất tử Năm Châu kính thờ Còn người muốn đoạt huyền cơ Mượn thân tu luyện vào bờ Thiên Tiên Bước vào các cõi Linh Huyền Để thân thành một Máy Thiên của Trời Quý thân châu báu còn thua Có thân mới học Đại Thừa nhờ thân Đạo lành nhờ có Kim Thân Người thành nhân được nhờ thân tu rèn Tu cho thân tỏ ánh đèn Tròn đầy sanh Thánh, hết hèn thành sang Bước vô các cõi Thiên Đàng Kim Tiên Ngọc Phật hào quang diệu huyền Dù không có muốn làm Tiên Cũng là Đại Thánh của miền thế gian Có thân nên luyện thân an Đem nguồn bảo pháp Kim Cang của Trời Hiệp vào nơi cõi không lời Không tên, không tánh, Đạo Trời mới linh Giải rồi Tam Thế Lưỡng Hình Thoát ra, vào cõi quang minh đời đời. (Hết trang 83.)
2
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Feb 23, 2022
(Tiếp đầu trang 64.) 290. Tâm hồn thanh không thích nhiễm trược. Người thật có đạo đức không thích giành giựt đồ ô nhiễm. 291. Người Bá Đạo dùng lời hay, hành động tốt đẹp, để che mắt thế gian; lương lẹo ngoài vòng luật pháp. Nhưng không tránh khỏi luật luân hồi và thọ tội ở Địa Ngục. 292. Trời đất bao la, người đạt Đạo gom lại trước mắt. Tiên Phật tuy thần thông người đạt Đạo làm bạn không khó. 293. Nhân định tại Tâm. Thiên định tại mệnh. 294. Dòng nước còn có thanh trược lộn lẫn vào nhau. Dòng Đạo sau trước một đường trung chính. 295. Văn chương dùng đúng chỗ, Đạo Lý dùng đúng phương pháp, thì nó là cây chìa khoá đó vậy. 296. - Cây Trúc không tâm, đại diện cho Đạo Bồ Tát Giới. - Tòng Bá bốn mùa không đổi màu, đại diện cho hàng hiền nhân quân tử. - Hoa Sen ở trong bùn không nhiễm, đại diện cho người tu luyện Đạo Gia. 297. Nhìn người chưa hiểu chiều sâu Làm sao thấy rõ đuôi đầu mà chơi Ai ơi muốn giữ chữ bền Muốn tìm bạn nghĩa chớ quên nhìn người. 298. Vạn vật trên thế gian đều có thể dụng được. Chỉ do người có biết dụng vật hay không mà thôi. 299. Động thì sự chơn giác về lúc ta yên ngủ. Tịnh thì sự chơn giác về lúc ta thiền giác. 300. Đạo Học nó to như không gian, rộng như Vũ Trụ, và nhỏ như hạt sương. Cho nên học hoài cũng không hết. 301. Sức mạnh của người tu là sự thanh tịnh. Càng thanh tịnh thì càng gia tăng sức mạnh. 302. Tu Đạo Lớn, phải có nhẫn nhục lớn, mới thành công lớn. 303. Bụng người chỉ chứa năm ba chén cơm thì đầy, mà sự ham muốn chứa hoài không hết. 304. Tu hoài mà không thức, luyện hoài mà không sáng. Người đó chỉ có đủ phước hửu vi thôi vậy. 305. Không biết thì chê, biết rồi lại chấp. Người đó chỉ biết nói chớ không biết hành động. 306. Có đường lớn mà không đi, có Đạo Lớn mà không tu. Người đó đang bịnh tâm lý rồi vậy. 307. Đi tu mà còn củng cố địa vị của mình thì có thời gian đâu mà tu giải thoát. Nếu còn ôm địa vị là theo đạo hửu vi rồi vậy. 308. Đạo mới có thì kêu to. Đạo một nửa thì kêu ột ệt. Đạo được đầy thì yên lặng. Khi đã được yên lặng thì mới đi vào đại định được. 309. Đi học ở đời là đi học lại của người thành công. Còn đi học ở tâm linh là đi học đại học với Vũ Trụ. Nhờ vậy mà xưa nay các bậc nhân sĩ, vua quan, đạo sĩ, còn phải học tập mãi mãi mà vẫn chưa đủ. 310. Cái biết ở Đời là cái biết trí thức thanh và sắc, là cái học theo trục vật chất, nên càng động loạn cầu kỳ. Còn Đạo Học là khoa học tâm linh: Động loạn thì Đạo xa Thanh tịnh thì Đạo gần Sống yên thì Đạo hiệp Trung dung thì Đạo chuyển Càng chuyển thì càng tịnh Càng giồi thì càng sáng. Như mặt trời treo giữa chơn tâm, cho dù có học ngàn năm Duy Tâm Khoa Học vẫn chưa được là bao nhiêu khi đứng trước Thượng Đế. Vì vậy người ngộ Đạo lúc nào cũng cho mình là dốt là vậy. 311. Chiếc áo của người tu chưa đủ đại diện Phật. Nếu đã đủ thì không còn sanh tật, và tự nó biết giác ngộ chân bản tánh rồi vậy. 312. Đạo Lớn vốn vô hình. Phật Lớn vốn vô tướng. Người có đạo đức lớn không tranh đoạt. Còn tranh đoạt là còn đạo của chúng sanh đang tu bổ. 313. Chỉ học văn tự mà cho là luyện Đạo, thì như người học võ, chỉ học được bài thiệu thuộc lòng. Lúc gặp cọp thì làm sao biết thủ thân, trừ nguy, diệt bạo? Rồi lúc làm tướng, làm sao biết điều binh khiển tướng? Lúc đó là lúc trả lời mình có thật đầy đủ võ công hay không. Vậy không lẽ học bài thiệu mà thành ông Phật? 314. Phật dạy nên bỏ hình tướng nhưng lại ôm. Phật dạy nên giải lòng phàm ngã nhưng lại kết. Nếu vậy thì sao đi cùng đường với Phật cho được. 315. Nước lớn đổ đê. Bão lớn sụp biên. Chiến tranh lớn thì tiêu diệt hết vạn vật. Chỉ có Đạo Lớn mới cứu hết nhân loại. 316. Thiện chưa minh mà lo tu thiện sẽ sanh ác, vì lòng phân biệt chưa dứt. Thiện mà Đạo được minh thì mới đạt thiện. Thiện đến lúc thiện ác không còn thì mới là người chí thiện. 317. Ác mà chưa thành đại ác thì nó còn bị nó bao che. Khi nó thành đại ác thì nó mới sợ nó. Vì vạn sự hiện ra trước ánh mặt trời, chỉ có lúc đó nó mới thật sự quy y thí pháp. 318. Trời có đức hiếu sinh nên vạn vật, kẻ dữ người lành, cũng điều hít dưỡng khí mà sống. Người Đạo thấy người ngả đổ, thất bại mà còn hạ thủ, thì kẻ đó là vô Đạo rồi vậy. 319. Thấy ngả thì đỡ; thấy té thì nâng; thấy chìm thì vớt; thấy thiếu thì bố thí. Lòng không phân thiện ác. Người đó đang Thế Thiên hành Đạo, độ đời cứu người đó vậy. 320. Nếu mình không cho họ có cơ hội thì kẻ thiện trở thành ác, vì chính mình ép họ không có đường đi. Vậy việc ác của kẻ thiện đang làm là mình thọ đủ. 321. Nhân quả tuy không ai thấy, nhưng xưa nay không ai thoát khỏi. Dấu người thì được, chớ dấu mình và dấu Trời thì không bao giờ được. Người có Đạo nên cẩn thận để khỏi chôn mình vào Địa Ngục. 322. Đem tâm mà cầu Đạo thì được chứng Đạo. Đem thân và nhục dục đi cầu Đạo sẽ bị che lấp. Đem tình cảm mà đi cầu Đạo, Đạo bị trói buộc. Chỉ có khi nào lòng mình được thanh thản thì Đạo cũng thanh thản hiệp về. 323. Đi tu thanh thì phải khử trược. Đi tu tịnh thì phải giải động loạn. Thấy sao theo vậy. Thấy gì ôm bậy Là đoạ Địa Ngục. 324. Cây Hồng Đào, cây Huyền Trúc, cây Dương Liễu, cây Thanh Tòng, là bốn loại cây đại diện cho tánh Đạo của bốn giới Thần, Thánh, Thiên Tiên, và Địa Tiên. - Cây Đào đại diện cho chư Thần: như ban hoài không dứt. - Cây Trúc đại diện cho Thánh Nhân: không lòng trống dạ, có bỏ trôi giữa biển đời vẫn không chìm. - Cây Liễu đại diện cho Địa Tiên: mạnh thì cũng chìu, yếu thì cũng kết. Nhưng luôn lập trí giữa thế Đạo của mình, không vì sợ mạnh mà siêu đổ, không vì vinh nhục mà bạc đãi. Luôn đứng thẳng, chìu người mà không mất tánh Đạo. - Cây Thanh Tòng, dù cho bốn mùa tám tiết đổi thay, bão bùng mưa gió qua lại, nhưng nó vẫn một lòng trung dung từ độ, và luôn giữ một màu thiên thanh không úa. Đó là Đạo Tiên Thiên, và đạo đức của người quân tử. - Còn Hoa Sen là đại diện cho Bồ Tát Giới. 325. Đạo Lớn vô tướng. Đức Lớn vô tư. Người học Đạo lớn coi theo đó mà làm thì thành chánh quả. 326. Việc lớn làm thành nhỏ, là bỏ qua được thì nên bỏ qua. Việc nhỏ làm thành không, là quên được thì hãy cho nó quên luôn. Không mà làm cho có là Bá Đạo. Có mà không dung thứ cho người là tâm Ma phá Đạo. 327. Công phu luyện Đạo là lấy ba thứ: Linh Tâm, Linh Tánh, và Linh Thức của mình để rèn bằng sự tĩnh tâm. Pháp Luân Thường Chuyển rồi mới Định Thần cho tâm sáng, tánh linh, thần được sung mãn, thì mới mở cửa khiếu linh mà về Thiên Quốc. Chớ không phải tụng kinh gõ mõ. Nếu ngày nào cũng tụng, sẽ hao khí tán thần. Rồi Đạo đâu không thấy mà còn sanh bịnh hoạn và sanh ra kỳ thị. 328. Người tu chưa minh Đạo còn biện giải văn tự, còn bàn chỗ cao thấp. Nếu đã minh rồi thì trí tuệ mở ra, không đủ giờ học Đạo, thì có giờ đâu mà ngồi minh biện. 329. Không ăn thì đói, không uống thì khát. Còn đạo đức không tu bổ thì suốt đời cũng như người chết bị đói khát đó vậy. 330. Xuân sinh, Hạ dưỡng, Thu kết, Đông tàn, đó là luật tiến hoá của Trời Đất. Còn người tu phải biết văn học, tu tịnh, dưỡng Đạo giải thoát. 331. Nhẫn thì bị nhục. Nhục đè thì nhịn. Nhịn được thì nhường Nhường được thì thắng mình. Khi đã thắng mình được là đạo của bậc quân tử. (Hết trang 74.)
2
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Feb 21, 2022
(Tiếp đầu trang 53.) 238. Tu mà còn ấn chứng, thì còn nhiều biến chứng. Tu mà hết ấn chứng, thì tự nhiên thanh tịnh. 239. Người tu mà còn đổ lỗi cho kẻ khác là còn thiếu tu. Người hành Đạo mà còn sợ dư luận còn thiếu hành. 240. Đen lấy trắng làm nền, trắng lấy đen làm sáng. Đó là người biết dùng đến Đạo Trung Dung. 241. Học văn tự, Kinh Dịch, mà còn cầu sự chơn giải. Nếu đã có điển thì điển đã giải văn rồi vậy. 242. Thành cũng chưa vội vui, bại cũng chớ vội buồn. Xưa nay thành bại biết bao, vinh nhục cũng lắm, mà có ai ôm được lúc ra đi. 243. Học kinh không nên chấp lý. Tu thiền không nên mê điển. Chấp lý nên sanh phân biệt. Mê điển nên sanh kỳ thị. 244. Đạo thật là Đạo Vốn nó là Không Hư Vô Chi Khí. 245. Tinh thông thì học được sáng suốt. Đạo thông thì không còn ràng buộc. 246. Dân là sức mạnh của nước. Nước có thể chở thuyền hoặc cũng có thể nhận thuyền. 247. Học Đạo cần thể hiện chơn tâm. Hành Đạo cần thể hiện hạnh đức. 248. Một lời nói hay, một thiện xạ giỏi, cũng chưa giỏi bằng một người đang luyện Đạo. 249. Điện có đường âm đường dương kết tụ. Đạo có dòng thanh dòng trược kết lại. Lấy pháp mà khử trược lưu thanh thì thế gian sẽ thiên về Đạo Học hết vậy. 250. Thiền gia cầu Tịnh nên Động. Đạo gia cầu Thiện nên Ác. Khi nào không còn cầu, mà thực sự tu luyện, mới là người thanh tịnh tu thiện. 251. Lương tâm chí thiện là không còn sợ ác. Đạo đức chí nhân là không còn bàn luận nhân nghĩa. Thiện đức chí hiền là không còn khinh chê kẻ dữ nữa. Diệu pháp chí linh thì không còn hình vi sắc tướng. Tâm Đạo nhiệt thành là không còn ngại khó khăn. Độ lượng to lớn là không lòng chiếm giữ. Đạo đức sâu rộng là không còn phân biệt. 252. Lúc làm con chưa biết quý cha mẹ. Khi làm cha mẹ thì lại thương con. Đó là lúc hồi tâm biết việc hiếu đạo, thì nên hành cho trọn. 253. Văn phải ôn, võ phải luyện, Đạo phải hành. Ba điều này không thể bàn suông mà đạt được. 254. Đạo hiếu nhờ minh tâm. Đức rộng nhờ độ lượng. 255. Trai học Đạo, trai hiền. Gái học Đạo, gái thảo. 256. Thi ân không cầu báo. Học Đạo không luyến tình. Nhân minh Nhân vô cầu. Đạo minh Đạo viên giác. 257. Đức rộng như không đức. Đạo cao như thằng khờ. Núi cao tụ sương tuyết. Đạo cao nương gió mây. 258. Minh cái tâm Không. Kiến cái tánh linh. Tâm thanh đạt Đạo. Tánh linh đạt tịnh. 259. Bỏ thực cầu Đạo. Bỏ tâm cầu Đạo. Đạo hiệp tâm linh. Tâm ngộ thần minh. 260. Nhân truy cái hiền. Đạo truy cái tánh. Nhân hiền thanh liêm. Tánh Đạo tinh khiết. 261. Mến nhân thì cầu duyên. Học Đạo thì cầu Tiên. Nhân do duyên tự kết. Đạo nhờ học thành Tiên. 262. Đi tu đừng sợ khổ. Khổ là phương thuốc giải thoát. 263. Nước đục muốn lóng trong. Nước trong sắp làm mưa để cho đục. Vậy nước nào là nước được đục trong? 264. Học Đạo mà còn chỗ để học, hành Đạo mà còn chỗ để hành, là chưa tới chỗ viên giác. Còn tới chỗ viên giác là tự lui về thanh tịnh. 265. Cây đèn để bên dưới mong sáng lên. Cây đèn ở bên trên mong sáng xuống. Chỉ có người ở chính giữa hưởng được trọn vẹn. 266. Bạch Tự Chơn Kinh là kinh không có lời và chữ viết. Vô Tự Chơn Kinh là kinh không có chữ mà có lời. Hữu Tự Chơn Kinh là có lời và có chữ. 267. Không lời là Vô Ngôn Chi Giáo. Không chữ là Vô Danh Chi Bảo. 268. Vô tự là Vô Vi Chi Giáo. Hửu ngôn là Như Thị Ngã Văn. 269. Minh tâm cần hành Đạo. Kiến tánh học Như Lai. 270. Phật nhờ pháp mà hoá duyên. Nhân nhờ hành mà thành Phật. 271. Ngọt nhờ mặn mà dịu. Mặn nhờ ngọt mà thanh. 272. Đạo vì Nhân từ độ. Nhân nhờ Đạo tỏ ngộ. 273. Nồi canh thiếu gia vị thì không được ngon. Còn bỏ nhiều gia vị quá thì sanh kích thích. Hãy để bình thản, trung dung. 274. Nhiều ngày luận văn bàn kinh, còn thua một giờ đạt thanh tịnh. 275. Phật Gia lần chuỗi để niệm kinh. Tiên Gia đánh cờ để luyện Đạo. Thiền Gia niệm tâm kinh để giải thoát. Tam Giới tu tập tuy có chỗ khác nhau, nhưng cùng chung một Đại Đạo. 276. Ăn chay mà còn bàn cãi chay mặn, học Đạo còn bàn chỗ hay dở. Như vậy dễ làm tổn thương đến đời sống thiện lành của Đạo. 277. Lớn làm cho nhỏ, nhỏ bỏ thành không, là người thật sự hành độ Chơn Đạo. 278. Người người điều có Ngọc Phật ở trong tâm, có sẵn tấm gương lành ở trong tánh. Chỉ khi nào hồi quang phản chiếu thì tỏ ngộ. 279. Đi tu mà còn ôm lòng phân biệt là còn ôm cái gông trói tâm. Còn sanh tâm thiện ác thì còn tu ở cõi Địa Ngục. 280. - Cảnh giới Địa Ngục: trược khí, uế khí phủ kín. - Cảnh Trung Giới: trược khí một nữa, linh khí và không khí lẫn lộn. - Cảnh Trung Thượng Giới: không khí, linh khí trong sáng. Cảnh trí hai phần ba thanh tịnh nhẹ nhàng. - Cảnh Thượng Thiên Giới: thanh khí, linh khí đầy ấp, trong ngoài dưới trên hiệp Đạo. - Cảnh Giới Hư Vô: yên lặng, đại thanh đại tịnh, thông suốt khí linh, huyền hoá vạn loại. 281. Người đạt thanh tịnh không còn ngủ, chỉ có nằm nghỉ. (Gọi là Ngoạ Thiền.) 282. Hoả lực của Đạo gia tăng. Thanh tịnh tự nhiên hiệp Đạo. 283. Ly tâm cầu học Đạo. Cải tánh tự diệt danh. 284. Cầm gươm trí tuệ là hành pháp đốn ngộ. Chặt một đường gươm để thay cũ đổi mới. Soi tỏ cho đời để hành Đạo tiến đức. 285. Nhân mà hiệp trí tuệ thì hiền. Đạo khai mở trí tuệ là giác. 286. Con cá lớn không nên vẫy đuôi ở chỗ nước cạn. Người có Đạo Lớn nên hành đức nhẫn lớn. 287. Cơm ăn đỡ đói, nước uống đỡ khát. Điển văn Đạo Học là để giải thoát. 288. Đạo Học là tâm Thông Thiên Học. Nên trực giác, quy tâm, kiến tánh thành Đạo. 289. Chơn lý còn ở chỗ Hửu Vi thì còn bàn với luận. Chơn lý đã hiệp một với Vô Vi thì miễn bàn. Lúc đó chỉ lo hành Đạo thì mới đạt Đạo. (Hết trang 63.)
0
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Feb 18, 2022
(Tiếp theo trang 45.) 201. Đạo tu tại Tâm Nhân tu tại Thân. Tiên tu tại Mệnh. Phật tu tại Tánh. 202. Đức rộng hành độ không có biên giới. Đạo trọng quỷ Thần còn kính nể kia mà. 203. Mượn thân tu Đạo để thành nhân. Mượn nhân tu Đạo để thành Tiên. Nhờ mượn phương tiện mà tu đạt Tiên Nhân. 204. Lấy đức mà trị nhân thì nhân an. Lấy Đạo mà trị nhân thì văn minh. Nhân có an thì văn minh mới khôi phục. 205. Đời sợ khổ luôn cầu an. Đạo học khổ luôn hành độ. 206. Nhận khổ làm vui là đạo đức của hàng Bồ Tát. Vì vậy các Ngài luôn cứu khổ ban vui mà không lời than thân trách phận. 207. Đạo và hạnh phải đi chung với nhau, nếu tách rời là vô Đạo vậy. 208. Tiếng hát chim muông làm vui được lòng người đạo đức tiêu giao giữa cảnh núi rừng. Một thời luận kinh thuyết pháp sẽ mọc được giống Bồ Đề chơn giải. 209. Nước ở trên nguồn thì cao. Nước ở dưới biển thì thấp. Vậy nước ở trên mây đang làm mưa kia nó cao hay thấp vậy? 210. Nước mượn gió để làm sức. Người rèn Đạo để làm phước. 211. Trăng treo giữa Trời còn có lúc tròn lúc khuyết. Thì sự dạy Đạo cho người đừng ngại chỗ thành bại, thạnh suy. 212. 'Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.' Nếu mình không làm thì đâu biết thắng hay bại. 213. Nước có lúc lớn lúc ròng, thì nhân tâm trong đời cũng vậy. 214. Quạ chê Công màu sắc, Công chê Quạ đen đúa, nên làm cho thế giới phân biệt. Chỉ có Hạt Trắng chẳng chê ai; kết đàn ăn xa, ở cao nên không vướng vào vòng tranh chấp; tự do biển Bắc trời Nam an nhiên tự tại. 215. Học Đạo trước phải cải tánh cầu tâm. Cầu được tâm thì lo kiến tánh thì đạo đức mới tròn. 216. Đi tu không bỏ vật chất hình thức, chỉ cần đổi mới tâm linh mình trước. Khi ngộ tâm rồi mới phân định thì hay hơn. 217. Thầy kêu đệ tử buông bỏ hết, còn thầy thì lại ôm hết. Đệ tử bỏ hết được giải thoát, thầy ôm mãi nên được đoạ lạc. 218. Tâm chưa hoà bình tức chưa hoà, cảnh trí Thượng Giới chưa về là chưa thượng, thì làm gì có Hoà Thượng. 219. Độ lượng chưa có tiểu thì làm sao có đại, nhân nghĩa chưa có phục hưng thì chưa có đức, thì làm sao gọi là Đại Đức. 220. Nhân thân chưa lọc, pháp lý chưa thông, mà luận Đạo Trời Đất, khác nào như ếch nằm đáy giếng coi trời bằng cái vung. 221. Cha mẹ sanh ra mà chưa hiểu, bạn đạo tu đồng môn mà chưa kính, thì Trời Đất hết Đạo cho người đó tu rồi vậy. 222. Cá tu mong được hoá Long. Rồng tu mong thoát xác thành Minh Châu. 223. Người tu mong được thành Phật Phật tu mong được giải thoát. 224. Người tu mong được về Trời Phật tu mong được độ người. 225. Mới tu cầu giải. Tu lâu cầu thoát. Mới tu nên giữ lòng phân biệt. Tu lâu nên giải tâm ích kỷ tổn Đạo. Có vậy mới tự nhiên được Đạo Giải Thoát. 226. Mới học thì mê văn tự. Tu lâu thì chê Kinh Luận. Lòng còn mê còn tối. Tâm còn chê là còn động loạn. 227. Thanh tâm thì sống an nhiên. Tịnh tánh thì luôn yên phận. 228. Thiền đến giác ngộ thì không còn bàn luận. Chỉ lo dọn cái tâm bên trong mới là chánh. Tích đức tu thêm cho thành chánh quả. 229. Tiên tu Huyệt - Phật tu Điền. Nhân tu Tâm - Đạo tu Tánh. 230. Người chơn tu không tranh đoạt sở thích của kẻ khác; không luyến tình, binh người, tổn Đạo. Nếu không được như vậy thì còn trong chúng - sanh - tánh. 231. Đạt Đạo chơn tu chẳng luyến tình Để cho tâm tánh thoát vô minh Thất Tình còn giữ mồ hoang lạnh Suốt kiếp đi tu vẫn chúng sanh. 232. Tranh là tổn Đạo. Chiếm giữ là Bá Đạo. Đạo vô tranh đoạt thanh. Đạo buông bỏ giải thoát. 233. Học cái người chưa học. Tu cái người chưa tu. Đó là hàng trí tuệ, viên giác đại căn. 234. Người cầu Đạo đổi tất cả để đắc Pháp. Người Bá Đạo ôm hết thảy để sống chết. 235. Người thật chí thiện không còn chấp ác. Nhân nghĩa cùng tột vốn nó không lời. Luân lý thông suốt không gây chiến tranh. 236. Đạo Học còn bàn, mới vào sơ học. Đạo Học miễn bàn đi vào đại học. Đạo đức thanh nhã được vào trung học. 237. Nhìn đó biết đây, nhìn Nhân biết Đạo, là truy chỗ nầy đó vậy. (Hết trang 52.)
1
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Feb 12, 2022
(Tiếp theo trang 35.) 154. Uống rượu say không sợ bằng một vị lãnh tụ say trong chiến đấu. 155. Tình yêu là sức mạnh của thiêng liêng. Hãy để nó an vị bình thản như cái chung đựng nước, vì lắc nó tràn, nghiêng nó đổ. Hãy luôn giữ cho nó ngay thẳng. 156. Sau cơn giông bão sẽ trả lại sự yên tĩnh dài hạn. 157. Phước huệ song tu là cái nền lớn của nhà đạo đức. Đã đứng trên nó thì không sợ ngã, và càng củng cố lại càng bền vững. 158. Pháp môn khẩu thuyết tâm truyền xưa nay là món quà vô giá của Phật Pháp. Khi đã thọ được thì hãy tự cố gắng. Người đi trước đã thành công còn mình cũng đừng nên chờ đợi. 159. Cây phước đức chỉ nở hoa trong đời có một lần. Mình hãy nên chăm sóc và bón phân nó cho cẩn thận để khỏi tuyệt giống tốt. 160. Khẩu đức là hai con đường thiện và ác. Bậc đại trượng phu xưa nay chỉ nói có một lời mà bốn ngựa còn theo chưa kịp. Nếu mình không làm bậc đại trượng phu thì ai sẽ làm đây? 161.Lòng trung tín là tấm gương lớn. Để xa nhìn thì thanh tao bình thản. Nếu đem soi càng gần càng thấy khó coi. Đạo nếu ở trong tâm mình thật, thì không ai đánh cắp được. 162. Đức tin càng rộng, sức mạnh càng lớn. Người có đủ đức tin thì sợ gì không đủ sức mạnh. 163. Tu luyện hằng ngày là đang trồng vườn hoa phước đức. Đã là đức thì mặc sức mà hưởng. 164. Tâm an thì trí mới định, huệ mới phát. Đã đi đúng đường sao còn ngần ngại. 165. Cây khô mà được đâm chồi là phúc đến hoạ tiêu. Mà còn được trổ hoa là mình có tích đức. Nên cố gắng thì Trời sẽ độ. 166. Đức tin là nền tảng lớn của người quân tử, cho dù đem vàng mà đổi cũng không lay chuyển. Cho nên, sống như Tướng, tử như Thần, mới nắm giữ được đạo đức lớn. 167. Độ lượng là cây thước đo lường đạo đức. Người có được nó, tự biết trau giồi thì đạt Đạo Lớn. 168. Kinh Phật mà còn bàn luận, đạo đức mà còn phổ thông, hình như có chỗ chưa đủ. Nếu đã đủ thì đã đến chỗ miễn bàn rồi vậy. 169. Thanh là người quy hồi chơn thức. Tịnh là người đạt được sự an lạc của nội tâm, nên thích sống vô vi yên lặng. Còn người bàn cãi đạo đức là hình như họ mới vào học Đạo. 170. Vô tranh thắng được tranh thì giúp mình tu tịnh. Hửu tranh thắng được người mà thua với chính mình, nên được hàng đạo đức gọi là bậc hạ sĩ. 171. Đời cũng ôm, Đạo cũng giữ, vô tình mình là giặc của hai giới rồi vậy. 172. Đi tu là phải buông. Học Đạo phải bớt. Bớt cho tới không còn chỗ để bớt thì đắc pháp. 173. Văn hay bổ trí. Đạo hay bổ đức. Lời hay bổ ký ức. Ký ức mà được bổ dưỡng thì không sợ khổ. 174. Nước trong nhờ lọc. Đạo thanh nhờ tịnh. Tu nhân mà chưa lọc, Đạo gia mà chưa tịnh, thì trở thành 'mãi võ Sơn Đông' rồi vậy. 175. Oan gia nên giải không nên kết. Đạo gia nên kết không nên oán. Hành Đạo mà ố Đạo là vô Đạo. 176. Lúc nghèo biết chia. Lúc nguy biết phò trợ. Đó là đạo đức của người trung nghĩa. Mình đã có ngọc quý ở trong nhà thì không sợ đói. 177. Rượu uống lúc chia tay, ăn chay lúc luyện Đạo, là hai điều phải làm cho đúng lúc. Rượu say vì bạn là tỏ lòng quý kính, không nói thành câu mà như chia sẻ hết Thiên Chân. Thì dù xa ngàn dậm, dù vắng bao ngày cũng không quên được người tri kỷ. 178. Tình yêu của Thần là đức hạnh hy sinh, trung cang, nhân nghĩa, phò Đạo một lòng, tận trung báo quốc. Đó là tình yêu bất tử. 179. Tình yêu của Nhân Hiền là sự liêm chánh, hạnh tốt, tâm từ, tu thân hành Đạo, phò cơ, trợ phương tiện cho người minh triết. 180. Tình yêu của nhân loại là, giúp đỡ lẫn nhau, trợ duyên học Đạo, bảo quốc tề gia, sống vui hạnh đức. 181. Trời không gì giận một người mà diệt cả thiên hạ. Người có Đạo không gì một sự thiếu sót mà mình làm ố Cơ Đạo. 182. Nước lớn phải dùng đức để yên Đạo, dùng nhân để an dân, dùng nhân nghĩa mới thạnh trị lâu dài. 183. Dân tu thì nhân được trong lành. Dân yên thì Thái Bình được khôi phục. Chỉ có dân ngu là tác hại vô cùng. 184. Hiền nhân dụng Đạo phò Vua nên được trung dũng. Chí Nhân đem ra phò Đạo thì gom được thiên hạ về. Nhân Tâm dụng Đạo của người quân tử đó vậy. 185. Dụng nhân như dụng mộc thì còn có chỗ chưa dùng. Còn dùng nhân như dùng thuỷ là dùng tới cái huyền biến của pháp Trời rồi vậy. 186. Tiếng sáo kêu thanh, tiếng trống kêu vang, chỉ kêu khi có người sử dụng. Còn loại trống Trời và sáo Trời thì kêu hoài không dứt. Hình như có sự xuôi thuận mà thành ra các bản hoà tấu thiên nhiên, hài hoà thánh thoát. 187. Đêm thanh nhờ trăng sáng. Ngày thanh nhờ trời trong. 188. Tiếng hát giữa không trung hài hoà êm dịu. Bản hoà tấu giữa Hư Không nhớ mãi không nguôi. Đó có phải tiếng hát của Thánh ca Đại Hồn kêu gọi, mời đón Thiên Chơn trở lại nguồn xưa? 189. Mắt đời chỉ nhìn được thị vật nên gọi nhục nhãn. Mắt Thánh nhìn xuyên núi non mây bạc nên gọi Thiên Nhãn. Còn Mắt Trời có khắp trong thiên hạ mà lại không tên. 190. Thánh Ngôn, Tiên Ngôn, Phật Ngôn, vẫn còn hạn hẹp. Khi nào đi đến thế giới Vô Ngôn thì không còn hạn hẹp. Thế giới ấy Vô Thinh Chi Giáo. 191. Duy Tâm theo Đạo Duy vật theo Trục. 192. Nhân tâm tu Phật thì hiền. Nếu tu Phật mà chưa hiền thì chưa đi đúng đường của Phật dạy. 193. Đạo Gia tu theo mệnh của Trời nên được Trời độ. Thánh Nhân lập đức ở trong mọi người nên được khôi phục lại lòng nhân của thiên hạ thờ Trời. 194. Thiên Lý còn phải theo thời phổ hoá. Cho nên Thánh Nhân cảm ứng mà hành Đạo, và thường theo Thiên Lý ứng tâm để cho hiệp với lòng Trời và các hàng Đạo Đức. Nhờ vậy mà lòng nhân theo về không ngớt. 195. Đạo Gia gặp được Hiền Nhân thì bàn. Thánh Nhân gặp được Sĩ Nhân thì triết. Thần Nhân gặp người trung nghĩa thì phò. Có vậy mới đúng Đạo Trời. 196. Đờn giỏi có khi cũng bị đứt dây. Hát hay có khi cũng bị tắt tiếng. Đạo Lý, ở chỗ quân bình nên áp dụng. 197. Bậc chí sĩ, thiên tài, có lúc cũng phải bó tay trước cảnh thiên hôn địa ám kia mà. Huống chi người chỉ biết vài ba chiêu võ đạo. 198. Ách nước, nạn dân là do người quân tử không trọng Đạo, và do nhân tâm không tích đức. 199. Lúc nguy cơ thì cầu Trời Phật gia hộ. Lúc đau khổ thì nhờ Bồ Tát diệt tai, trừ nạn. Vậy mà lúc thành công không mấy kẻ biết lo tu tâm dưỡng tánh để đền ơn gia hộ. 200. Tu non, tu thị, tu sơn, mà chưa tu tâm, thì còn thiếu Chơn Chánh Đạo trong đó vậy. (Hết trang 44.)
1
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Feb 05, 2022
(Tiếp theo trang 31.) 133. Mình không thích sự bất công, thì không nên đem sự bất công cho người khác. 134. Đi tu đừng chờ ngày đắc Đạo. Cứ lo tu hành thì Đạo mới đắc. 135. Giúp người đừng sợ mất của, kẻ khác sẽ giúp lại mình nhiều hơn vậy. 136. Đừng buộc tội cho người mình không thích, mà hãy giết chết cái lòng vị kỷ của mình trước đã. 137. Đã tu thân thì không sợ nghèo. Như người làm vườn luôn săn sóc hoa màu thì sớm gặt quả. 138. Bậc hiền sĩ mà có độ lượng thì sợ gì mà không có ruộng phước để canh tác. 139. Hơn người không vội mừng. Thua người không vội buồn. Đáng buồn nhất là thua mình. 140. Dòng sông ít khi chảy ngược, nếu có chẳng qua là định mệnh. 141.Vạn vật ứng theo thời gian mà thay đổi. Nhưng người có lòng thành tín nó sẽ trở thành bất diệt. 142. Bố thí là sự giúp đỡ vô bờ bến. Hãy bố thí luôn cái lòng vị kỷ của mình thì đắc Đạo. 143. Yêu mà còn muốn được yêu là tình yêu còn hạn hẹp. Còn tình yêu mà biết hy sinh là tình yêu cao đẹp vô cùng. 144. Sự yên lặng rất quý báu với bậc chơn sư, nhưng rất chán đối với tuổi trẻ. 145. Thanh tịnh là sức mạnh của nội tâm. Người chơn tu dứt động tìm tịnh là về với nội tâm của mình vậy. 146. Tha người là biết bố thí cho tinh thần. Thương người là sử dụng từ bi. Độ người là sử dụng lòng đại lượng. 147. Lòng nhân từ mà không dùng đúng chỗ sẽ bị lợi dụng; còn dùng đúng chỗ nó trở thành sức mạnh nhân nghĩa. 148. Mùa Đông không thể thổi được ngọn gió Xuân, cho nên có ngồi trông cũng vô ích. 149. Chơn lý là định luật hai chiều, không tiến thì lùi, chớ nó không đứng ở một chỗ. 150. Lòng thành tín là sức mạnh vô địch. Bậc quân tử thành nhân nhớ giữ vững nó. 151. Cái đầu trọc chưa đủ đức để làm một chơn tu. Khi nào lương tâm cạo sạch thì mới đủ đức độ. 152. Chiếc áo không đủ dũng để trở thành một thiền sư. Chỉ có khi nào linh hồn mặc được chiếc áo của lương tri lành mạnh thì mới đủ. 153. Tình bằng hửu như giấy và viết. Mình viết ra cái gì thì mình sẽ học lại những cái đó. (Hết trang 34.)
1
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Jan 30, 2022
(Tiếp đầu trang 28.) 118. Nếu gặp kẻ thù mà ra tay giết họ, vậy giết bao giờ cho hết? Tại sao không giết cái lòng phân biệt của chính mình, vì nó là kẻ thù đáng được giết trước. 119. Đừng ngồi chờ sự vừa ý đến với mình hằng ngày, như vậy sẽ tạo cho mình trở thành người cô độc nhất trần gian. 120. Việc nhân nghĩa nên làm; sai thì biết tự sửa; hay thì biết học theo; dở thì tự bỏ. Làm được như vậy, đó là người đã trưởng thành rồi vậy. 121. Chua không than; cay không chê; mặn không trách; ngọt không giữ; nồng không bắt. Đó là người chiến thắng được lòng của mình rồi vậy. 122. Đời là biển khổ mênh mông, đừng sợ chìm thì sẽ được giải thoát. 123. Vợ chồng càng muốn được nhiều hạnh phúc thì lại tạo ra nhiều ngăn cách. Hãy tự giảm bớt sự ham muốn thì hạnh phúc sẽ được hồi sinh. 124. Đừng chờ người khác đem hạnh phúc lại cho mình, nếu mình không cố giữ nó. Hãy tìm hạnh phúc trong chính mình, khi có mặc sức bố thí. 125. Người đi tu là coi nhẹ lòng phân biệt mới thoát được chúng-sinh-tâm. Nếu lòng phân biệt còn ở trong mình, thì mình với chúng sinh là một vậy. 126. Trả một mối thù là tự kết dây oan trái, càng trói càng vướng bận. Tha được kẻ thù thì mới chiến thắng được lòng phàm ngã của mình, oan trái tự hoá giải. 127. Sự thất bại lớn nhất là hành động thiếu đức tin ở chính mình. 128. Người đời ai thấy khổ cũng sợ, nên cầu Bồ Tát để Bồ Tát làm thay cho. Vậy tại sao lúc sung sướng họ không chia cùng Bồ Tát? 129. Cứu khổ ban vui là chơn lý của người tu Đạo. Tu mà còn ngại khổ thì Đạo đã lìa tâm. 130. Lời nói, pháp thí, có khi là phương tiện cao quý cho người hành Đạo. 131.Học tập không đòi hỏi tuổi tác. Người hiếu học nếu không vào trường được, vậy sao không tự học với chính mình? 132. Nếu Bồ Tát thấy khổ mà từ chối, thì ai là người cứu khổ ban vui? (Hết trang 30.)
1
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Jan 29, 2022
(Tiếp theo trang 18.) 71. Thành trì nhỏ mà kiên cố lớn thì hao tổn. Thành trì lớn mà kiên cố nhỏ thì bị tổn thương. 72. Người quân tử đi đâu cũng trọng người, giữ mình. Vì trọng người thì người kính, giữ mình nên được yên thân. 73. Người nhân nghĩa vì Đạo, có lúc quên đến chỗ không có mình trong thiên hạ, nhưng lại luôn hiện hửu trong lòng thiên hạ, cái đó mới lâu bền. 74. Làm mười việc nghĩa chưa được một người khen. Làm một việc sơ ý có cả ngàn người chê. Nếu họ không chê thì đâu còn việc cho người nhân nghĩa làm. 75. Tu miệng thì nhiều, tu tâm thì ít. Ít đến nỗi không thấy hình tướng của nó. Vậy mà đi đến chỗ nào họ cũng nói họ là người tu. 76. Cha Trời hỏi Mẹ Đất: "Tại sao Bà lại ngồi im mãi vậy?" Mẹ Đất trả lời: "Sợ tụi nó bỏ bom nguyên tử nên tôi đâu dám nói." 77. Mẹ Đất hỏi Cha Trời: "Ông đi đâu mà đi mãi không nghỉ vậy?" Cha Trời trả lời: "Tôi đi dạy cho tụi nó làm việc nhân nghĩa mỗi ngày. Vậy mà còn nhiều đứa bất nghĩa vẫn chưa dạy được đó vậy." 78. Sự sáng suốt: thường về lúc thanh tĩnh; thường xa lúc động loạn; thường mất lúc dục vọng nổi lên. 79. Nơi quan binh là chỗ anh dũng nhất, mà lại là chỗ giết nhau nhiều nhất. Cho nên người nhân nghĩa dụng binh, cũng nên tính kỹ, không nên tuỳ ý mà hại đến trăm họ. 80. Cuộc chiến thắng nào cũng huy hoàng. Cuộc chiến bại nào cũng bị điêu tàn. Vậy kẻ bị đưa vào bải tha ma kia có muốn được thắng hay thua mà im lìm không nói vậy? 81.Sức mạnh của võ phu chỉ thắng được một người, trăm người, hoặc ngàn người chứ không thắng được lòng thiên hạ. Người đạo đức sức mạnh tuy không hơn một đứa nhỏ, mà thắng được lòng thiên hạ đó vậy. 82. Đế quốc thường dùng binh lực để chiếm đoạt. Sau đó phải cũng cố mấy đời người mới khôi phục được lòng nhân. 83. Bá quốc dùng mưu trí để tước đoạt. Khi tước đoạt được thì tạo ra sự ngờ vực lớn. Còn lòng người, ai cũng đề phòng mà tạo thành một thế lực tiêu cực nên dễ bị xụp đổ. 84. Cường quốc dùng khoa học kỹ thuật để chiếm giữ nên, sanh ra thất nghiệp, sanh ra tệ đoan xã hội, sanh ra khủng hoảng kinh tế, sanh ra chiến tranh giai cấp chủng tộc, nên tự diệt. 85. Vương quốc dùng nhân nghĩa để thu phục, nên trọng kẻ sĩ, mến hiền tài, kết giao lân bang, quy tựu tuấn kiệt. Vì vậy kẻ trí sĩ xuôi thuận theo, người hiền sĩ lo cũng cố sự tuấn kiệt để lập công. Đó gọi là dùng nhân nghĩa để trị. 86. Hoàng quốc trên thuận mệnh Trời, lấy Đạo phổ hoá, cho nên Phật Tiên Thánh Thần đồng phò, ẩn sĩ ở núi non cũng ra giúp, nhân sĩ bốn phương tầm về, đạo nhân bốn biển tiếp rước, lòng người đặt hết niềm tin, làng xã tự an thạnh trị, tà khí từ đó tránh xa, luân lý từ đó khôi phục, đạo đức từ đó phục hồi. Trên thuận mệnh Trời, dưới được lòng dân, nên thành Thánh Đạo. 87. Lúc nóng giận là lúc yếu nhất. Lúc hối hận là lúc sáng nhất. 88. Đừng sợ người ta phụ bạc mình, hãy tự mình cố gắng làm lại từ đầu để khôi phục lại tình cảm ấy. 89. Nếu đạo đức không phát ra từ trong lòng mình, cho dù tu ngàn năm vẫn chưa thấy Phật. 90. Người thành công là nhờ học được kinh nghiệm từ những sự thất bại của chính mình. 91. Có một thứ tình yêu không bao giờ già yếu, đó là tình yêu cứu khổ ban vui của Bồ Tát. 92. Yêu mà không chiếm đoạt, thương mà không ràng buộc. Tình yêu đó mới bền vững. 93. Khi chơn tâm đã phát quang, càng đậy nó càng sáng, sáng đến chỗ biết nghỉ chớ không còn mê ngủ. 94. Tu là tĩnh. Tĩnh cho tới chỗ thanh tịnh thì trí tuệ mới phát, huệ căn mới hiệp, đạo đức mới về. 95. Ngủ mà thấy an nhiên là Thần Thức và Chơn Thức hiệp Đạo. Ngủ mà thấy động loạn là lương tâm chưa an Chơn Thần còn bị ám. 96. Ăn chay là để học độ lượng, từ bi, thương người, trọng vật, để trở về bình đẳng tánh. Còn chấp ăn chay thì trâu, bò, nai, dê, đã thành Đạo trước mình rồi vậy. 97. Người chơn tu cao đẹp là nhờ biết độ lượng hy sinh. Người con gái đẹp là nhờ có chút ít nhan sắc. Nhan sắc sẽ tàn phai theo thời gian, còn độ lượng hy sinh sẽ cao đẹp mãi mãi. 98. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn. Đó là đức của người quân tử. 99. Lời thiện đức có lúc tỉnh được người mê loạn. Một bài hát êm tai cũng giải được cơn mệt nhọc. 100. Có phước mà không biết an dưỡng. Có thiện duyên mà không chịu kết thân học tập. Ấy là người còn thiếu tu từ kiếp trước. 101. Đường dài có đi thì mới rút ngắn lại được. Còn không chịu đi thì làm sao tới. 102. Núi cao, sợ khó không lên thì làm sao tới đỉnh để thấy được Trời cao Đất rộng. 103. Muốn biết nhiều thì phải siêng năng cần học. Muốn có độ lượng thì phải nhẫn nhục lớn. 104. Lý trí mà thường luyện tập hằng ngày sẽ trở thành cây gươm trí tuệ để cắt đức lòng phàm ngã của chính mình. 105. Tình yêu mà không thương quý nó sẽ thành nô lệ của dục vọng; còn đáp lại đầy đủ thì nó trở thành chơn thiện mỹ, hạnh phúc. 106. Bữa cơm sang trọng, ăn hoài cũng ngán. Chơn lý văn chương không nên để cho đầy, vì đầy ắt sẽ tràn. 107. Tình cảm lắm lúc cần phải hâm nóng lại, vì để lâu sợ bị nguội lạnh vô vị. 108. Cây hoa khi nó toả ra hương vị, bản thân nó lại không biết trước. 109. Có một loại hoa không bao giờ héo, đó là hoa đức hạnh. 110. Nếu cặp vợ chồng nào cũng biết quý thương nhau như thuở ban đầu, kỉnh nhau như khi mới gặp gở, thì không bao giờ có sự đổ vỡ. 111. Tình yêu mà không biết chán đó là tình yêu của cõi Hư Vô thanh tịnh. Vì vậy ai cũng thích sống trên cõi Niết Bàn an lạc. 112. Hạnh phúc đến khi nào Thiên Chân bắt đầu khôi phục. Còn chưa hồi phục Thiên Chân, cho dù nó có đến cũng gọi là hạnh phúc tạm. 113. Vợ chồng không phải là nghiệp chướng, mà là thầy, là vị minh sư, đang điêu luyện mình để thành-nhân-chi-mỹ đó vậy. 114. Người đi tu chớ nên bỏ phương tiện vật chất, vì thiếu nó người tu sẽ gặp khó khăn. Cái đáng bỏ là lòng phàm tục của bản thân. 115. Vợ con là nhân đạo của nhiều đời kết tụ lại thành duyên nghiệp của kiếp nầy. Không lẽ lìa bỏ nó trong vài ba năm mà giải được nghiệp của ngàn kiếp trước? 116. Người tu nên ổn định lại gia đạo của mình và độ cho vợ con cùng tu, vì họ vẫn là chúng sanh cần mình độ vậy. 117. Người chơn tu coi thường vật chất, nhưng cũng cần phải có để làm phương tiện để độ tha. (Hết trang 27.)
1
0
Quyển VĂN NGÔN THUẬT LUẬN - (Đây là tập 10 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC-ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết dưới bút danh THÁI BÌNH.)
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Jan 28, 2022
(Tiếp theo trang 11.) 40. Tình yêu của Trời lớn rộng mà lặng lẽ vô vi. Cho hoài không hết, chứa mãi không đầy. Sáng thì như mặt nhựt mọc lên thiên hạ tự thạnh, chiều lại hạ xuống cho thiên hạ tự tịnh, mà vẫn không nói một lời trong tình yêu Vũ Trụ. 41. Tình yêu của Tiên là tình yêu của Ngọc Nữ, Tiên Đồng. Tu thân hành Đạo là tình yêu của Hồn Vía siêu thoát thế gian. 42. Tình yêu của Thánh là tình yêu biết hy sinh sự cô động của mình mà mở rộng nó ra trở thành một tình yêu minh triết. Càng yêu nhân loại càng hưởng cảnh Thái Bình dài hạn. 43. Trên đời này cái gì nếm nhiều lần thì cũng ngán. Có một thứ nếm hoài không ngán, học hoài không hết, đó là Đạo Tâm. 44. Sống chung với nhau là cần sự chăm sóc. Ở đời với nhau cần sự quý kính. Có vậy thì mới khỏi bị thiệt thòi. 45. Tu hành không phải thuộc hết kinh, hành hết lý, mà đến được. Cần phải có sự vượt qua Tam Đồ Khổ mới đắc pháp. 46. Luyện Đạo mà không thức tâm, không có minh sư, không có phương tiện, thì không bao giờ viên mãn. Vì làm có đúng đâu mà đắc pháp. 47. Người tu mà còn sợ khổ, thì cũng như cây kiểng để trước nhà cho đẹp mắt. Vì còn lòng phân biệt là còn chứa quá nhiều nghiệp chướng. Họ là loại hàng rào kẻm gai của Đạo, tuy bén và cứng rắn, nhưng không tránh khỏi mục sét. 48. Vật để lâu không lau chùi thì bị bụi che phủ. Bạn bè quen thân không thăm hỏi thì trở nên nguội lạnh. 49. Vợ chồng mà không săn sóc lẫn nhau sẽ trở thành người bạn bất nghĩa. 50. Âm Dương là hai khí tương sanh mà cũng tương khắc. Vợ chồng phải biết phò trợ cho nhau thì mới sống đời được. 51. Tình yêu là một sức mạnh, vượt núi băng sông, qua rừng vượt luỷ, để được nó. Nhưng tệ hại hơn đó là người không biết cẩn thận giữ nó. 52. Luật pháp đơn giản, thì con người văn minh. Tinh thần khôi phục thì hoà bình được lập lại. Luật pháp quá hà khắc, thì sanh ra mất an ninh trật tự. 53. Tiếng gọi Chơn Lý ở trong lòng người. Nên người càng quay vào bên trong, thì được sống chung với nó. 54. Tiếng gọi của tình yêu nó ở trong trái tim của con người. Càng đến gần thì càng bị nó mê muội. 55. Sự cám dỗ là ở bên ngoài của con người. Càng đi theo Ngũ Uẩn thì càng bị nó cám dỗ. 56. Bốn mươi tuổi mới tỏ đường đời. Bốn mươi hai tuổi mới thông suốt Đạo pháp. Càng tu sửa thì càng thấy mình ngu. 57. Khi chưa tỏ ngộ thì thầy đưa. Khi tỏ ngộ thì tự độ. Khi đã tự độ được thì đi độ tha. 58. Lúc còn bé theo Cha Mẹ. Lớn lên theo Thầy. Trưởng thành theo bạn. Thành nhân theo mình. Khi già yếu theo Trời Đất Ông Bà. 59. Dạy con: Đừng nên ép, ép tắc phản. Đánh tức lìa. Doạ tức nản. Thanh minh tức đen tối. Ràng buộc tức chối bỏ. 60. Dạy thì phải dỗ. Giáo thì phải dụ. Lỗi thì phải luyện. Được thì phải khen. Thua thì phải an ủi. Có an ủi mới có đủ đạo đức để dạy con. 61. Khi con còn nhỏ thì nâng niu. Lớn thì chìu chuộng. Trưởng thì huấn giải. Thành niên thì tri kỷ. Có làm được như vậy thì mới đúng Đạo Trời. 62. Tình yêu của tuổi trẻ là một thứ trái đắng: không ăn thì thèm, nuốt vô thì đắng, nhả ra thì cay. Vậy mà không nếm, không học, thì không được. 63. Tình yêu của tuổi vào đời là tình yêu lựa chọn, nên nó không còn tinh khiết. 64. Tình yêu của kẻ trưởng thành là tình yêu bị chiếm giữ, nên nó vô mùi vị. 65. Khi lòng mình đã mất hạnh phúc, thì thế gian khó mà bù đắp lại được. Một khi khôi phục hạnh phúc lại được ở trong mình, thì ở đâu cũng có hạnh phúc. 66. Dòng đời là thuận chiều. Dòng Đạo là nghịch chiều. Đi tu mà sợ nghịch dòng đời là đã đi sai dòng Đạo. 67. Mình học cho người kế tiếp được học. Mình làm cho người kế tiếp được làm. Người chân tu không nên đoạn tuyệt nhân duyên của người kế tiếp. 68. Người không tu thì để cho kẻ khác được tu. Người không hành thì để cho kẻ khác được hành. Không nên đoạn tuyệt nhân duyên của họ mà phạm luật Trời. 69. Cái tâm mình là một con khỉ có phép thuật. Hãy kèm nó trong mỗi giờ cho đến khi nó quy y thuần phát. Khi đã thuần, nó là bạn cùng đường của mình vậy. 70. Cái tánh là một con ngựa cứ chạy tới mà không chịu lùi lại. Mình nên cột ráp yên cho kỹ càng. Khi nào rảnh rỗi nên đi với nó. Rồi từ từ nó sẽ thuần phục mình, thì sai đâu nó đi đó. (Hết trang 17.)
1
0
Quyển LUYỆN ĐẠO TRONG BA DÒNG NƯỚC - (Đây là tập 18 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC - do ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết - năm 1995.
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Jan 01, 2022
(Tiếp trang 79.) Tiên Ông dạy: - Nước có ba thời kỳ: - Nước Lớn - Nước Ròng - Nước Bình. 1. Tiên Đạo Lúc Nước Lớn phải biết phổ truyền cái Đạo Đức của Trời, để cho người biết chỗ giải thoát tinh thần. Người nhân đem cái đạo Chí Nhân phổ truyền để cho lành cái đức của mình và lành cái Đạo của Trời. Đức Lớn nên thờ Đạo của Trời Đạo Lớn nên dưỡng Đức của người. Khi mặt nước lên cao. - Quốc gia được hưng thịnh: Bậc nhân sĩ làm việc chí công Hàng đạo đức làm việc vô tư. Trên đại diện Đạo Trời Dưới yên lòng bá tánh. Lòng dân bủa khắp Thiên hạ Thái Bình. Thiên hạ được an Quốc gia cường thịnh. Dân giàu nước mạnh Ích nước lợi dân. - Đạo đức cường thịnh: Nhân Sĩ lớn là hàng Đạo Học Phải đi theo nguồn gốc Đạo Gia. Diệt giả ngã Phi ngã, phi phi ngã. Đạo Lớn không phân thiện ác Pháp Lớn không nhiễm chánh tà. Đạo Lớn vô tranh quốc gia hưng thịnh Nhân Lớn vô tranh tạo phước cho đời. Người chí nhân thờ Đạo Trời Bậc giác ngộ Đạo thờ chung một gốc. Phật cũng ở Tây Thiên Trúc Tiên cũng ở Trời Vô Cực Cả hai đều là bậc Chân Nhân Vô tánh, vô tâm, vô trần, vô dục. Trên thấu lý Hư Vô Sáng soi cho nhân loại. Vào đời là muốn khai sáng lòng nhân Mở Đạo để chỉ đường tu giải thoát. Phật vô tánh nên về Trời Không Tướng Tiên vô tâm nên về hiệp Hư Không. Trong giữ Đạo trống lòng nên tâm an Ngoài không nhiễm thiện ác nên tánh tịnh. Vào đời vì khai định chánh kinh Tỉnh Đạo vì yêu chung nhân loại. Trước sau một Đạo của Trời Dưới trên thông Thiên Huyền Học. Kiến thị nhãn thông Điểm Đạo hoá độ. Không ôm chùa to tạo đồ chúng mê lòng Không ôm Phật lớn làm cho người mê tín. Đạo trong nhân là tu lấy thân mình Tâm tỉnh, thân an, thoát vòng trần tục. Đường vinh nẽo nhục xa cái lòng phàm Mới vào ngả Phật từ bi giải nạn. Ôm nhiều sanh ra nghiệp chướng Mê nhiều sanh ra ngả luân hồi. Khôn nhiều sanh ra lòng phân biệt Biết nhiều sanh ra chúng sanh tâm. Xưa nay người thông minh học Đạo bị sự thông minh của mình che đậy trí tuệ. Thượng Nhân thường dạy: Người thông minh Bị thông minh gạt. Người khôn ngoan Bị sự khôn ngoan của mình lừa gạt. Người trí thức Bị sự học vấn của mình hại. - Lòng nhân được hưng thịnh: Lòng của người là một sức mạnh Về tinh thần, nó có thể lên chín tầng mây để làm Tiên đắc Phật. Về vật chất, nó có thể xuyên phá mười tám cửa Địa Ngục để vào làm Quỷ Vô Thường. Bậc hành Đạo, tỉnh tâm, tịnh ý Là muốn giữ tấm lòng của mình cho thật chí nhân. Đạo Lớn của lòng nhân là vô ngã, phi tướng. Đức Lớn của lòng nhân là có sự độ lượng chứa mãi không đầy. Nhân Lớn của lòng nhân là độ mình và độ tha cho nhân loại. Con có biết diệt ngã, phi danh, vô tướng Thì mới vượt qua ngại chướng của Thánh Phàm. Xưa nay Phật dạy đáo ngả Tây Phương Hỏi lại người tu mấy ai biết giải thoát. Người giải thoát là không tranh đoạt Hàng tranh đoạt là chưa biết giải thoát. Ngộ lớn không ai đi tranh việc nhỏ Đạt lớn không đi ngả luân hồi. Xưa nay tu Đạo thì đông Khách ngộ Không chẳng có mấy. Người phân biệt bị sự phân biệt của mình che đậy. Học đời: thêm rồi thêm tới chỗ đoạ lạc. Học Đạo: bớt rồi lại bớt tới chỗ giải thoát. Nước hưng kiến thiết lòng nhân Đạo hưng giải thoát cái lòng phân biệt. Giải được sự phân biệt Đạo mới thật chơn Đạo thật chơn phải luyện tới chỗ Toàn Chơn. - Nhân nghĩa được hưng thịnh: Người nhân dùng nghĩa để độ đời Nước lớn dạy người minh tâm ra phò Đạo. Người nhân nghĩa không đoạt sở thích của người khác Người nhân nghĩa không tranh quyền đoạt lợi của kẻ khác. - Thật nhân nghĩa: Ở chỗ cao biết độ tha Ở chỗ thấp biết phò trợ Vào trong nhân loại trợ duyên Ra ngoài dùng Đạo hành nghĩa. Nói lời nói quang minh Làm việc làm chơn chánh. Phật dạy: Hành nghĩa là cái nền lớn Lòng nhân là cái nhà lớn. Người có đủ nhân nghĩa là đã cất cho mình một căn nhà lớn ở trên Trời rồi vậy. Xưa nay Tiên Phật tu thân cũng không đi ngoài việc nhân nghĩa. Thấy thiếu thì cho Thấy dư thì quyên góp Thấy ngã thì nâng Thấy té thì đỡ. Việc nhân nghĩa là lòng lớn của Chư Phật Là cái công đức từ thiện lợi tha. Hành Đạo cho đúng bậc nhân nghĩa Thì vào hàng chí nhân đạt Đạo. Nhân nghĩa là ngọn đuốc lớn Để soi sáng cho bậc có từ tâm Biết thi ân giúp đời độ chúng Tích luỹ phước thiện để về Trời. Việc nhân nghĩa là cái mực thước Của hàng thiện đức làm phước tu thân. Giúp người để người thức lòng phò Đạo Cứu người để người gieo nhân lành kế tiếp. Trồng nhân trợ đạo nghĩa Trồng nghĩa trợ đạo nhân. Người có đủ tinh thần lành mạnh Không coi thường việc nhân nghĩa. Người có đủ nhân nghĩa chơn chính Không coi thường việc từ thiện độ tha. Gốc lớn của Trời là lòng nhân Đạo lớn của Phật là hành nghĩa. Cho nên Phật dạy: Kiểm lại cái lòng nhân Khai tỉnh Lục Căn Dạy đám Lục Trần Cho tụi nó biết đường đi giải thoát. Trời tuy xa tám trăm bốn chục ngàn dặm Nhưng người có lòng nhân sẽ đi đến được. Địa Ngục sâu một trăm tám chục ngàn dặm Mà kẻ ác cũng biết mở cửa đi vào. Nhẹ bay lên làm Trời Nặng tuột xuống làm Đất. Người có lòng Đạo phải biết tu tỉnh Để cho cái lòng nhân thành bậc chí nhân. Chân Nhân hướng độ tinh thần Chân Nhân siêu độ lòng dân. - Bậc trí sĩ được hưng thịnh: Phật niệm kinh để luyện thành trí sĩ Tiên đánh cờ để luyện đạo vĩ nhân. Bậc trí sĩ thượng căn Biết người biết mình Muôn việc thành tựu. Tịnh mình tỉnh người Liên hoàn trợ thủ. Bậc trí sĩ luyện mình trong nhân tâm Trí lớn nước thịnh biết dùng. Văn chương đạo đức phổ rộng truyền xa Khai nền Văn Phật cho thiên hạ đồng học. Đức Lớn của Trời Tình Lớn của Chư Phật. Đem Đạo Lý khai sáng nền văn hoá Mở văn minh cho thiên hạ đồng về. Trí lớn khai ngọn đuốc Bồ Đề Nhân sĩ lớn lào thông chơn lý. Phật dạy: Trí giác ngộ thành sĩ tử Sĩ tử giác tha thành đắc nhất Đắc nhất trí giác thành ngộ Không Ngộ Không thành bậc có trí tuệ. Đem trí sĩ độ đời Thì lòng nhân bủa khắp Độ lượng được sâu rộng Thiên hạ cảm đức lớn Mến các nhân sĩ lớn Mà vui hoà bốn phương Trên dưới đồng thuận Đạo. Đem trí sĩ ra làm việc Thì sự công minh được mở ra Nơi đô thành có hàng phụ mẫu Chốn thôn làng có bậc thanh liêm Cả hai hội thành sĩ tử của thời Thượng Đức. - Nhân sĩ được hưng thịnh: Lòng từ bi tế thế an bang Đức nhân ái gội nhuần chơn Đạo. Lòng nhân là Linh Bảo của Trời Bậc thượng sĩ vào đời tỉnh thế. - Đức lớn của nhân sĩ: Là lòng bao dung vô bờ bến Lên cao chứa trí tuệ độ tha Xuống thấp chứa độ lượng yêu thương. Mở trí cho người thượng đức Mở tâm cho bậc nhân hiền. Ra giữa công đường thành bậc thanh liêm Vào trong công lý làm gương nhân sĩ. - Đạo Lớn của bậc nhân sĩ: Kỉnh Trời trọng Phật cho thiên hạ đồng tu Yêu người quý vật cho nhân loại đồng hưởng. Nhân sĩ có Đạo - tâm thành lành trí Đạo sĩ có Đạo - tâm tánh vô tư. Vô tư là bậc Đạo Nhân Vô tranh là hàng nhân ái. Trời Lớn lấy không trung bao dung khắp cả Đạo Lớn chứa Hư Không chứa hết tất cả. Nhân sĩ phổ cái lòng nhân Là thay Trời hành đức hiếu sinh. Thượng nhân có thể ở trong lòng người Và có thể ở trong lòng Trời. Thượng sĩ có thể ở trong nhân của người Và trong Đạo của Thần Tiên Thánh Phật. Thượng trí dung chứa tuệ giác bao la Như pháp thuỷ kết lại thành mây Bay cao khắp trong thiên hạ Soi thấu muôn nơi an nhiên tự tại. Nó có thể làm mưa rửa bầu ô trược Nó có thể làm sương đêm ban mãi không dừng Cây cỏ xanh tươi vạn vật khôn lớn Côn trùng sỏi đá cũng được thuần lương. Cũng nhờ vào lòng nhân của người thượng sĩ. Bậc thượng sĩ mở nguồn trí tuệ Phổ lòng nhân mở rộng tình Trời Sĩ phu là cột lớn nhà Trời Là nhân sĩ vào đời tỉnh Đạo. - Dũng sĩ được hưng thịnh: Lấy trí dũng khai nguồn chơn lý Thành một người dũng sĩ của Phật Gia. Đạo Trời có muôn ngàn vị Hộ Pháp Nhà Phật có hàng triệu A La Hán, Thanh Văn. Lấy trí dũng để hàng ma chướng ngại Vượt gian nguy đại dũng mới thành. Ngả Phật có ba đường hiệp một thể Đạo: Đại Từ Bi Đại Trí Tuệ Đại Dũng Lực. Từ Bi là cái lòng nhân của người nhân sĩ Trí Tuệ là thượng học của hàng trí sĩ Dũng Lực là của bậc đại hùng, đại dũng sĩ. Trời sanh nhân sĩ để làm phụ mẫu Trời sanh trí sĩ để làm bậc sư phụ Trời sanh dũng sĩ để làm bảo quốc an dân. Trời lấy lòng dân để làm mẹ Phật lấy trí tuệ để làm thầy Người lấy dũng lực để rèn luyện. Bậc trí dũng là hàng hộ pháp lớn Vào Đạo thì an Đạo Vào nhà thì an nhà Vào quốc gia thì an nền xã tắc. - Bậc dũng sĩ vào Đạo: Lấy trí để học kinh văn Lấy dũng để luyện lòng thành tín. Nhân lớn lấy trung tín làm nền Đạo Lớn lấy trí dũng làm lực. Học dũng để rèn mình Học dũng để rèn nhân. Trí dũng nâng cao Đạo đức thạnh vượng. Đạo có hộ pháp để bảo trì Quốc gia có quân đội để an dân Con người có trí dũng mới thực hiện cái lòng phò Đạo an dân của mình. Luyện Tánh sanh Dũng Lực Luyện Dũng Lực sanh Từ Bi Luyện Từ Bi sanh Trí Tuệ Luyện Trí Tuệ để thành bậc Chân Nhân. Các vị thành Đạo xưa nay là có đủ dũng lực để vượt Tam Đồ Khổ của Phật để thành Đạo. - Dũng Trí luyện mình: Gặp khổ thì cam chịu để rèn hạnh đức Gặp khó thì chấp nhận để rèn đức nhẫn nại Gặp nguy thì phò trợ để tỏ lên lòng thành tín Gặp nghèo thì giúp đỡ để diệt lòng phân biệt Gặp nạn thì vui để trả các chướng nghiệp Gặp thiếu thì cho để thực hiện lòng từ bi. Lòng thành không ngại khó Dũng chí vượt gian nguy. Bậc đại dũng trí có làm hàng nguyên soái, đại tướng của quốc gia hay trở thành những bậc chơn tu, cũng biết thực hiện: Lấy lòng thành tín để dạy người Lấy đức công bình để luyện Đạo Lấy sự bao dung để tha độ người Lấy thưởng thí tới người không ưa mình Lấy lòng từ bi hoá giải các oan gia. Kết bạn gieo nhân Phò chung một Đạo. Kết lý giao tình Một Đạo đệ huynh. Trí dũng để làm nên nghiệp cả Để thành người phò bá Đạo Trời. Người trung luyện dũng để thành Thần Người trí luyện dũng để lập thân Người Đạo luyện dũng để thành chánh quả. Thầy đã giảng qua là dòng nước lớn, đó là lúc: Quốc gia hưng thịnh Lòng người thạnh phát. 2. Còn đến Lúc Nước Bình là lúc: Thiên hạ Thái Bình Muôn nơi thạnh trị. Nước bình muôn vật đều yên Thái Bình nhân loại hưởng phúc. Lòng Thái, thanh nhẹ giữa Hư Không Tâm Bình, an nhiên giữa đại chúng. Người nhân sĩ an để dưỡng Đạo Người trí sĩ an để dưỡng thần Người đạo đức an để dưỡng nhân nghĩa Người dũng sĩ an để thạnh trị. - Người nhân sĩ an để dưỡng Đạo lúc nước bình. Muốn rót cho đầy lòng nhân của thiên hạ Trước phải biết tu dưỡng cho đầy lòng nhân của chính mình. Muốn an việc của mỗi người Trước phải biết luyện tới chỗ an lòng của mình. Muốn cho mỗi mỗi an yên Thì mình phải có đủ trí định huệ thì mới siêu thoát cho họ. Bậc phụ mẫu chỉ biết an mình Thì thiên hạ noi theo đó tự an. Bậc phụ mẫu biết dạy mình Thì lòng nhân tự giáo mà giác. Bậc phụ mẫu biết nhún nhường Thì mỗi người sẽ cảm đức, tự hoá giải. Bậc phụ mẫu biết liêm chánh Thì hàng thượng trí học theo đó mà hành độ. Bậc phụ mẫu có đủ lòng vị tha Thì hàng triệu thiện trí thức theo đó mà hành độ. Cao nhân thượng học cao nhân trị An yên tỉnh Đạo Thiên Lý giác. Người thượng sĩ an được bao nhiêu Thì Thiên Lý cung ứng xuống bấy nhiêu. An nhiên là lối giải thoát của Tiên Gia An phận là lối tu dưỡng của người có Đạo. Lòng an nhiên Ma Lục Dục không sai Tâm an phận Quỷ Vô Thường không phá. Trí an tịnh là thoát ra lòng của thiên hạ Thì đường Lục Đạo mới không sanh Thì mới an định tinh thần của người tu Đạo. - Lúc nước bình người trí sĩ an để dưỡng thần: Đạo Lớn: Lấy Đức làm nền Lấy Đạo làm nhà Lấy Thần làm chủ. Dưỡng Đức, Thần minh Dưỡng Thần, Đạo linh. Ông chủ có linh thiêng Thì muôn người thọ phước của Thượng Đế ban xuống nhân gian. Chơn lý có linh thiêng Thì mới làm sáng tỏ cho hàng thượng trí an Đạo. Người tu có linh thiêng Thì mới dấn thân phục vụ, hoàng dương Đạo Pháp. Tâm vô quái ngại hành độ không lời. Chơn Nhân có linh thiêng Thì mới đem phép lạ của Trời để ra cứu đời. Thánh Nhân có linh thiêng Thì mới đem nguồn trí tuệ viết thành kinh điển, văn chương, thơ phú để cứu đời. Trí an để dưỡng tinh thần Sĩ hiền đóng góp cao tầng đẹp xinh Nước bình dưỡng Đạo được linh Thánh Nhân mở nước trí nhân lập đời. - Nước bình người đạo đức an để dưỡng Đạo: Đạo an linh ứng bốn phương Đức an nuôi dưỡng nhân loại. Đạo của Thiên Tử được an Bốn phương thiên hạ Thái Bình. Đạo của khanh sĩ được an Quốc gia có bậc phụ mẫu. Đạo của hàng soái tướng được an Quốc gia được thạnh trị. Đạo của các tôn giáo được an Trong nước có nền văn học rộng lớn. Đạo của các tướng sĩ được an Biên cương yên định bờ cõi. Đạo của lòng dân được an Thiên hạ nhân gian đoàn kết. Đạo của người tu được an Chơn lý phổ rộng truyền xa. Học Đạo Thái Bình Trước phải bình tâm mình. Học Đạo trị an Trước phải an tỉnh mình. Học Đức an bang Trước phải độ cho mình. Nhân bình lấy đức để an Đạo bình lấy độ lượng để dung chứa. Trời an, ban khí linh cùng khắp Đất an sanh hoá mãi không dừng Nhân an tạo phúc lớn cho thiên hạ. - Lúc nước bình người dũng sĩ an để thạnh trị: Đạo Lớn không có biên giới Đức Lớn không có biên cương Nhân Lớn không có bờ cõi. Người dũng sĩ ra đời an trị: Trước phò Đạo lập thân Sau dưỡng Đạo giải thoát. Đạo Lớn không dùng sức người Đức Lớn không dùng mưu trí Nhân Lớn không dùng binh gia Đó là cách an trị của người đại dũng. - Dũng Lớn không dùng sức người: Mà dùng sức của Trời để cảm hoá lòng nhân, mỗi mỗi theo Đạo để phò Cơ tải Đạo, và yêu nước mến dân trong tình con chung một mẹ. - Dũng Lớn không dùng mưu trí: Thành trụ hoại không là thế đi của Đạo Bốn mùa tám tiết là thế chuyển của Đức Nên hư thành bại là hoạ phúc của Nhân Vạn sự để theo thế tự nhiên cho lòng người mến đức mà tự lập thân phận công danh. - Dũng Lớn không dùng tới binh gia: Đạo Lớn của Trời là Vô Danh Chi Bảo Người có dũng lớn vì Đạo mà làm chớ lòng không cầu danh phận. Nên không muốn tranh danh đoạt lợi với ai. Trong ngoài vô tư trống rỗng. Đức Lớn của hàng Tiên Phật là Vô Tranh Chi Giáo Người có dũng lớn của hàng Đại Giác lại không muốn xâm lấn của người. Tức là: Bậc thượng đức không Đức Nhờ không chấp vào nó mà không có lòng phàm. Bậc thượng đức vô tranh Nhờ không tranh mà cải tánh diệt danh thành Đạo. Bậc thượng đức không cầu bổng lộc Nhờ không cầu bổng lộc mà dạy người truyền đời. - Nhân Lớn vô danh thị: Bậc chí nhân quân tử Không thích chiếm đoạt sở thích của người. Bậc có lòng nhân từ thiện Không thích đi vào chỗ thiện ác phân tranh. Nhờ có đầy lòng vị tha mà họ không dùng tới binh lực để tương tàn sát phạt lẫn nhau. Người trí dũng có lòng Bồ Tát Bậc chí nhân có tánh Bồ Đề. Không dùng binh gia, vì nhận thiên hạ là con một nhà Không phân biệt, mới vào cõi đại hùng, đại lực. Đó là hai phần Thầy dạy về nước lớn và nước bình. Tiếp theo, Thầy sẽ dạy cho con về phần: 3. Lúc Nước Ròng. Biển động để thử tài người lái Đạo suy để đo lòng đạo đức của con người. Nước loạn mới rõ bậc trung lương Đời suy mới biết Đạo của hàng Bồ Tát. Đạo loạn mới thấy hàng trí tuệ hành nghĩa Thạnh suy mới thấy tài bậc anh hùng. Gia bần mới tìm con hiếu thảo Lúc nghèo mới tìm bậc tri kỷ. Thời suy mới biết rõ lòng nhân Lúc nghịch mới rõ lòng hàng tuấn kiệt. Tri kỷ mà không tri bỉ Không phải là hàng tri kỷ. Đạo đức mà không có độ lượng Là không phải hàng đạo đức. Trung lương mà không bảo quốc an dân Là không phải đạo của bậc thượng võ. Trí tuệ không diệt lòng phân biệt Chưa xứng chức của hàng Thanh Văn Duyên Giác. Bồ Tát mà không có lòng nhân Không phải là bậc Phụ Mẫu của thiên hạ. Mỗi con người đều có sẵn chiếc thuyền tâm linh, đó là chơn tâm giác ngộ. Bậc giác ngộ vào biển đời biết lái Gặp sóng nghịch khảo biết chế để qua bờ Bỉ Ngạn để giải thoát vòng sanh tử. Gặp sóng gió xuôi chiều thuận khảo phải biết tỉnh để độ người, giải mình để thoát cho người. Đạo nghịch mới biết ai chơn chánh Đời xuôi coi chừng khảo thuận chiều. Lúc nước ròng đừng có vào sông Ở biển lớn tự do thông thả. Đạo suy để đo lòng đạo đức của con người. Rủ nhau tụ hội cho đông Đến khi mở hội xuồng rông không đầy. Rủ nhau đóng hội đóng bè Đến khi nước đổ xuồng ghe đâu rồi? Lúc Đạo suy ai người minh trí Bậc lào thông chơn lý ở đâu Nước ròng đo được cạn sâu Nhờ đây mà học một câu chơn tình. Tiên Ông bảo: Từ đây con nghiệm theo đó mà học làm người, và luôn nhớ nhập định thường xuyên dưỡng Đạo. Người tu luyện nên nhớ là suốt đời không quên thanh lọc cơ tạng và tu dưỡng đạo đức. Có thường tu con mới nắm vững được chơn lý mà tịnh mình để độ đời. Từ ngày được Thầy dạy Đạo, anh Thật Khờ Dại được mở mang trí tuệ. Anh ở núi Tòng Sơn cùng Tiên Ông luyện Đạo học kinh văn không ngơi nghỉ. Vào những ngày rảnh, anh cùng đám cọp đi dạo khắp núi rừng. Một hôm Sư Phụ cho phép anh xuống núi. Anh từ giả Sư Phụ rồi cùng với bầy cọp đưa anh về lại căn nhà xưa và gặp lại anh Lòng Tham. Anh Lòng Tham tưởng rằng anh Thật Khờ Dại đã chết từ lâu rồi, hôm nay oan hồn về báo oán, nên anh quỳ xuống khấn vái và nói rằng: "Đệ Thật Khờ Dại ơi, đệ sống khôn thác thiêng, vì tôi có lòng gian đoạt tài sản của đệ, những gì của đệ tôi xin giao trả lại, nhưng xin đệ tha cho mạng sống." Anh Lòng Tham vừa lạy vừa khấn, rồi bỏ chạy đi trong sự hoảng hốt. Chạy được nửa đường thì gặp bầy cọp doạ. Từ đó anh Thật Khờ Dại ở lại căn nhà xưa cùng với ao cá. Ngày ngày anh an dưỡng tịnh tu. Thơ rằng Không lòng thành Đạo mới hay Thật là Khờ Dại Đạo Thầy mới linh Vô tư ngộ Đạo trong mình Bật cười thành Đạo Chơn Linh một nhà. - Hết - (Hết trang 103, trang cuối.)
1
0
Quyển LUYỆN ĐẠO TRONG BA DÒNG NƯỚC - (Đây là tập 18 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC - do ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết - năm 1995.
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Jan 01, 2022
(Tiếp trang 74.) Lòng trống, tâm cho thanh, trí tịnh Giữa dòng đời không nhiễm mới thảnh thơi. Trong nguồn đục mà lọc trong Huệ Mạng Mới là người tỏ sáng chỗ đại tu. Ngày đêm ra sức công phu Học kinh lý cho tỏ thông lối giải. Người khôn ham tranh Ta dại vô tranh. Người khôn cầu danh Ta dại vô danh. Ai thích phân tranh Đi đường đoạ lạc Ta yên lòng Đạo Học lý Hư Vô. Một bước tu thân Không màn khôn dại Được thua thành bại Chưa có ai hay. Phật tu giả dại đạp mây Mới mở huệ vào đời độ chúng. Dại là thượng sách chơn tu nên áp dụng Dại giữa đời sống đúng lương tri. Người ra đời danh phận đua thi Ta vào Đạo yên lòng giác ngộ. Dại để tu đến chỗ Tỏ Huyền Cơ mở lối Chí Nhân. Dại để yên luyện thần Xa khách động cho thân tu tỉnh. Dại để diệt mùi chung đỉnh Về Hư Vô ngâm vịnh học kinh. Dại để biết tu cho chính mình Cửa giải thoát mới linh Chơn Pháp. Khôn động trí tuệ che tối Dại tịnh trí tuệ mở lối. Khôn tranh, sanh tâm chúng sanh Dại vô tranh, sanh Kim Thân Phật Tử. Khôn chê hiền ghét dữ Dại không chánh không tà. Trong thâu hết tâm ma Ngoài Ngũ Quan bế động. Ở đời mà không động Mới là dại Chân Nhân. Ai cao ta học để luyện thân Ai dại ta tới lui làm bạn. Cửa Thánh vườn Đạo kết bạn Lòng nhân việc nghĩa trợ phò. Trồng cây ngô đồng giữa rừng tòng bách Hái trái Đạo Tiên hương vị thơm xa. Sống nơi công cộng hiệp hoà Ai chê ta dại mà lòng thảnh thơi. Chân Nhân làm bạn Học chỗ Huyền Cơ. Học nguồn văn thơ Truy ra mạch lý. Lên tới đầu nguồn Rõ tánh Như Lai. Dại ngoài khôn trong thoát vòng khổ ải Dại trong khôn ngoài đi ngả luân hồi. Hơn họ một lời gây thêm phiền toái Thua họ một lời thật Đạo Vô Thinh. Vô Thinh Chi Giáo Chỉ Đạo Càn Khôn Chơn lý vô ngôn Dại là thượng sách. Vào làm người lương tâm ai cũng rách Tranh đoạt cho nhiều muôn thuở trầm luân. Ngộ pháp giả dại để tu chơn Học Đạo yên thân là thượng sách. Từ đây con nên học theo cách nầy, làm việc và học Đạo. Anh Thật Khờ Dại rất vui mừng. Vì: Nhờ thật khờ mới tỏ thiên chân Nhờ thật dại mới ngộ Tiên căn đắc Pháp. Dại lợi danh thoát vòng tranh đoạt Khờ tỉnh tu mới ngộ chơn khờ. Người trí diệt trí mới sanh huệ Người thông minh diệt thông minh mới sanh giác. Người khôn diệt khôn mới an thần Người giàu diệt lòng tham mới định trí. Người có danh phận diệt danh phận mới yên thân Người nhân nghĩa diệt tà chánh mới tỏ Đạo. Người phân biệt diệt thiện ác mới thông minh Người hiền nhân bỏ tâm chấp trước mới ngộ Đạo. Người phú quý bỏ chỗ nhàn cư mới thông lý Đạo Người vinh hoa phải bỏ tánh hưởng lạc mới thông minh. Học đến đây mới thấy dại đời là thượng sách Dại để mình thành Đạo mới là khôn. Khờ học Đạo không gây chướng nghiệp Thông minh đời càng vướng trở ngăn Mùi phú quý tranh mãi chẳng nhàn thân Khờ mới thoát dây tử thần nghiệp quả. Tiên Ông hàng tuần dạy Đạo cho đệ tử Thật Khờ Dại của ông. Những ngày rảnh thầy trò cùng ngao du sơn thuỷ. Hái trái rừng những lúc đói lòng Uống suối mát đỡ cơn khát dạ. Rừng núi bao la Xem coi cảnh lạ. Ngày làm bạn với thú linh Đêm ngắm sao trời soi trí tuệ. Lòng cho trống mới làm con Thượng Đế Ngắm cảnh Thiên Không soi tỏ trí thiền. Có học đến đây mới thấu Đạo Tiên Mượn cảnh tịnh để thâu đơn đắc Pháp. Tiên Ông tiếp tục dạy Đạo cho anh Thật Khờ Dại, để cho anh thấu hiểu được luật của Đạo và ba dòng nước. (Hết trang 78.)
0
0
Quyển LUYỆN ĐẠO TRONG BA DÒNG NƯỚC - (Đây là tập 18 trong bộ THÁI BÌNH THI VĂN TÂM LINH ĐẠO HỌC - do ĐỨC THẦY VÔ DANH THỊ viết - năm 1995.
In Chiêm Nghiệm Kinh Sách
Admin
Dec 31, 2021
(Tiếp đầu trang 65.) BA DÒNG NƯỚC *** Ngày xưa, có hai vợ chồng ngư gia, nhà có một hồ cá chép thật lớn. Hằng ngày hai vợ chồng bán cá để nuôi thân. Một hôm, hai vợ chồng nằm chiêm bao thấy một vị Tiên Ông râu tóc bạc phơ, và dắt theo một đệ tử đến gởi cho hai vợ chồng vị ngư gia. Khi tỉnh dậy, hai ông bà rất vui mừng. Từ đó bà thụ thai và sanh ra một đứa con trai khôi ngô tuấn tú. Đứa bé mang một bẩm tánh Thật Khờ Dại. Hai ông bà nuôi đứa bé cho tới được hai mươi tuổi, thì ông lẫn bà bị cảm gió qua đời. Từ đó chàng trai Thật Khờ Dại ở lại giữ ao cá và sanh sống bình thản. Vào một hôm đẹp trời, có anh tên là Lòng Tham rủ một số bạn đến kết nghĩa với anh Thật Khờ Dại. Rồi ngày qua ngày, cũng nhờ ao cá mà cùng sanh sống. Anh Lòng Tham lại sanh lòng chiếm đoạt nên bàn với số bạn lập kế chiếm giữ ao cá của anh Thật Khờ Dại mà khỏi phải trả tiền. Nên mỗi ngày cứ vào buổi ăn chiều, anh Lòng Tham kể cho anh Thật Khờ Dại nghe, là anh ta cũng có một hồ cá thật lớn, lúc thiếu tiền, anh ta chỉ cần câu hai con là bán đủ sống cho tới cả tháng, khỏi phải làm nhọc sức như ở đây. Anh Thật Khờ Dại mới hỏi hồ cá ấy ở đâu và có nuôi những loại cá gì. Thì anh Lòng Tham bảo, hồ cá đó nằm ở vùng núi Tòng Sơn. Và cá ở đó có loại đầu rồng mình cá, có loại đầu phượng đuôi rồng, và còn có loại đầu lân đuôi phượng, trông rất đẹp mắt. Anh Thật Khờ Dại tưởng thật, lại hỏi anh Lòng Tham có cách nào vào đó để sống hay không. Anh Lòng Tham nói: "Có chứ. Nếu muốn, hiền đệ để cái ao cá nầy lại cho huynh, thì huynh sẽ giao hồ cá đó lại cho đệ." Anh Thật Khờ Dại đồng ý giao ao cá của mình lại cho sư huynh, rồi thu xếp lên đường về núi Tòng Sơn sinh sống. Anh Lòng Tham biết ở trên Tòng Sơn là nơi đầy dẫy cọp beo, khi anh Thật Khờ Dại lên tới đó chắc chắn là sẽ bỏ mạng, thì hồ cá nầy chắc chắn là thuộc về của mình. Nên sau khi anh Thật Khờ Dại đi rồi, anh Lòng Tham bắt thật nhiều cá bán cho có nhiều tiền, để trang hoàng nhà cửa, đón rước bạn bè, ăn chơi thoả thích. Còn anh Thật Khờ Dại cố gắng vào núi Tòng Sơn. Anh leo được nửa núi, thì thấy năm con cọp dưới núi đi lên. Lúc nầy anh hết đường xuống núi, nên đành cố sức lên đến ngọn núi. Anh đi đến chiều thì gặp được một vị Tiên Ông ra đón về hang động, và năm con cọp cũng theo Tiên Ông về hang động an nghỉ. Sáng hôm sau, Tiên Ông dẫn anh Thật Khờ Dại ra câu cá ở hồ Tòng Sơn. Anh câu được cá chép, nhưng chẳng thấy có những loại cá như anh Lòng Tham đã nói. Anh ta mới hỏi Tiên Ông: "Tại sao ở đây không có cá đầu rồng?" Tiên Ông đáp: "Làm gì trong nhân gian nầy có cá đầu rồng, chỉ ở trên hồ Trời mới có mà thôi." Từ đó anh Thật Khờ Dại biết mình bị gạt, nên xin Tiên Ông ở lại đó tu Đạo. Tiên Ông bảo: "Đạo của ta chỉ dạy cho người phải thật thà khờ dại, được như vậy thì ta mới nhận làm đệ tử của Tiên Gia." Anh Thật Khờ Dại mới hỏi: "Tại sao kỳ vậy?" Tiên Ông giải thích: - Vì người thật người, họ rất thật thà. Dạy một học một, học mười tập mười. Vì nó: Lòng không tham cầu Nên sanh được tánh vô tư. - Người luyện Đạo mà được tánh vô tư Là đi tới cái nhân lành tột phẩm. - Người học Đạo mà có tánh thật thà Luôn biết kính thầy, quý bạn, trọng người quý vật, tinh thần không bị trí phàm che đậy, nên học Đạo Lý dễ thông suốt. - Người thật thà Không muốn hơn người Kết giao bằng hửu. Không buồn khi thua người Kết thân để học tập. Không nản chí lúc gặp khó khăn Càng khó họ càng có nhẫn lực. Không bỏ vỡ Đạo nửa đường Càng tu càng trau giồi trí tuệ. Không chạy theo thị hiếu phỉnh dỗ Một lòng tu dưỡng cho tới thành Đạo. Không sanh tâm phân biệt Lòng không chứa ma chướng. Cõi Trời chơn thật Thần Thánh Tiên Phật sống chung. Trên dạy Đạo thật chơn Dưới thật lòng học tập. Thầy thật tình bày chỗ Huyền Cơ Trò thật dạ ra công tu dưỡng. Người trên hướng thượng Người dưới đồng thanh. Trước sau bày tỏ tấm lòng thành Dưới trên hoà thuận cùng tu Đạo. - Thầy thật thầy Là bậc Chơn Nhơn Đại Giác Giải thoát rồi chỉ ngỏ đám môn sinh Thầy luôn giữ Đạo cho mình Bậc giác ngộ tuỳ duyên mà dạy dỗ. - Trò thật trò Tu chỉnh cho chính mình trước đã Giải thoát mình rồi mới độ tha Trước thanh tâm hàng phục Sáu Ma Sau diệt đám Thất Tình cám dỗ. Vượt qua biển khổ Mới bàn việc độ đời. Người thật tình dễ đoạt Đạo Trời Vì lòng Đạo trước sau chơn chánh. Thật lòng tu mở đường cứu cánh Bậc siêu nhân thương đứa thật lòng. Khách đời chê dốt bỏ bên dòng Lòng Đạo khen sạch ít đóng rong. Vì vậy mà Thầy thích nhận đứa khờ dại, thật lòng cầu Đạo tu thân, hơn là đứa tranh tu loạn Đạo. Thật khờ dại Đạo tâm không tranh cãi Học rồi hành, hành mãi không ngưng. Thà khờ đời cho đạo đức chấn hưng Trống lòng dục dễ sanh Tiên Mạng. Khờ thật khờ Thánh Nhân kết bạn Nhờ thật khờ độ lượng bao dung. Đứng trên cao không có tranh hùng Lo luyện tập thành nhân đắc pháp. Xuống giữa thế lòng nhân bủa khắp Đem trí khờ phả lấp phân tranh. Khờ mà biết giữ Đạo cho thanh Khờ mà biết buông bỏ đấu tranh giành giựt. Khờ như vậy mới vào tâm định Mở ra vòng Thiên Kính Vô Vi. Hơn người cũng chẳng được việc gì Thua người cũng chỉ chừng đó việc. Khờ cho chết cái lòng phân biệt Diệt tâm ma cho chơn ngã nó sanh. Khờ mà biết nhập thất tu thanh Đạo thành nhờ khờ mà đắc Thánh. Khờ giữa đời xa lòng tranh cạnh Cho nhơn tâm soi thấu Hư Vô. Thật lòng tu cần giữ Đạo Khờ Vô phiền muộn mới minh Đạo Pháp. Khờ dễ vượt qua vòng bão táp Bậc khôn lanh đoạ giữa đường trần. Từ xưa nay Lục Đạo xoay vần Biết bao bậc khôn lanh đoạ lạc. Khờ biết Đạo lánh xa tội ác Thoát vòng mê thị hiếu đua chen. Đêm tham thiền, ngày dưỡng Đạo cho quen Chuyện chi tới, xuôi cho khoẻ trí. Người khôn tỷ thí Mình khờ chịu thua Nhẹ lòng ganh đua Đi về bờ giác. Xưa nhiều bậc công hầu tế thế Làm nên lịch sử cho cả thiên hạ. Rồi về yên ẩn giữa thanh sơn Dùng Đạo Khờ luyện tánh Chơn Nhơn. Phú quý vinh hoa lòng khờ không động Khờ thật khờ nó chẳng nhiễm trần. Khờ mà học được Đạo Chơn Nhơn Khờ như vậy là khôn mối Đạo. Khờ học Đạo lánh xa huyên náo Tịnh lòng trần cho Đạo được linh. Đời có trách vô minh, ta lặng tiếng Đạo có trách khờ ngu, vẫn im hơi. Đã học khờ buông bỏ lòng đời Tâm trí tuệ vô tư nó khởi. Học Đạo giữa Trời thoát xa nhân nghĩa Luyện Đạo giả khờ cho trí tâm yên. Khờ như vậy mới vào Đạo Tiên Thiên Lái thuyền pháp vào miền Cực Lạc. Mở trí tuệ học nguồn uyên bác Khai huệ tâm tỏ chỗ trúc cơ. Luyện Đạo như thằng khờ Qua bên bờ Bỉ Ngạn Nhìn xuống lại dòng đời Trông quả đất màu xanh. Nay chuyển mai luân theo dòng định mệnh Xuôi chạy con người tham dục mê tâm. Khờ giữa đời yên phận diệt danh Thấy danh lợi không lòng tranh đoạt. Trời cho sao, an phận thủ thường Đạo đến đâu tuỳ duyên truy học. Xa bạn xấu cho tâm an trí lọc Kết duyên hiền học chỗ cao siêu. Năm tháng qua mau, học theo thời đại Mà giữ lòng tu giải thoát không ngơi. - Người có tâm tánh thật khờ dại: Dại đời khôn Đạo mới là thượng trí Khôn đời dại Đạo là bậc phàm nhân. Khôn Ma lường gạt khắp biển trần Dây oan trái kết hoài không ngưng nghỉ. Khôn Quỷ sanh ra lòng tà mị Kẻ kéo người giành muôn đường đoạ lạc. Thà giả dại cho thoát vòng phàm tục Buông phàm tâm cho nhẹ dạ chơn tu. Diệt phân biệt mới dứt vui buồn Dại như vậy mới là chơn định. (Hết trang 73.)
1
0

- (Bình luận trên diễn đàn)

Admin

Admin
More actions

(Chỉnh sửa hồ sơ)

bottom of page